Hơn 10 ngày sau khi bất ngờ bị tên trộm xe máy dùng vật nhọn đâm thấu bụng, bệnh nhân Nguyễn Tiến Nam đã tỉnh táo, không còn sốt, sức khỏe dần hồi phục. Trao đổi với chúng tôi, anh cho biết: Tôi rất may mắn khi được cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tận tình cấp cứu giúp tôi qua cơn nguy kịch. Hôm đó, sau khi đón con tại Trường Mầm non 19-5 (T.P Thái Nguyên), tôi trở ra sân trường lấy xe gắn máy thì bất ngờ thấy đối tượng lạ đã bẻ khóa và nổ máy xe của mình định trốn thoát. Tôi lại gần khống chế tên trộm thì bất ngờ tên này dùng vật nhọn đâm thấu bụng tôi rồi trốn thoát. Vết thương quá lớn nên mặc dù tôi đã giữ chặt nhưng máu vẫn cứ xối ra và một phần nội tạng hở ra ngoài.

Ngay lập tức, anh Nam được các phụ huynh khác đưa vào cấp cứu tại Bệnh vện Trung ương Thái Nguyên. Được  chấn đoán vết thương thấu bụng, bệnh nhân Nguyễn Tiến Nam được chỉ định chụp CT và làm các xét nghiệp cần thiết để tiến hành phẫu thuật. Cú đâm do tên trộm gây ra đã làm bệnh nhân bị vết thương rộng từ bờ sườn trái chếch lên phía dạ dày làm rách rộng mặt sau dạ dày dài 10cm; động mạch lách bị đứt hoàn toàn, lách tắc không còn máu và còn gây ra vết thương dài từ đuôi tụy lên phía thân làm nát nhiều tổ chức thân tụy. Kíp mổ do các cán bộ, bác sĩ Khoa Ngoại Tiêu hóa - Gan mật phối hợp với các đơn vị chức năng của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiến hành cắt lách, khâu vết thương thủng dạ dày khâu vết thương tụy, làm hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân. Sau 4 giờ cấp cứu, phẫu thuật, kíp mổ do các bác sĩ Khoa Ngoại Tiêu hóa - Gan mật chủ trì đã phẫu thuật thành công cứu sống được bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Văn Chung, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa - Gan mật cho biết: Quá trình phẫu thuật phát hiện ổ bụng có nhiều máu đỏ, loãng, kíp mổ buộc phải cầm máu động mạch lách, cắt bỏ lách rồi khâu phục hồi vết thương dạ dày và vết rách mặt trước dạ dày, khâu vết thương tụy. Bên cạnh đó, vết thương ở đại tràng ngang bên trái bị thủng một lỗ bằng hạt ngô nên kíp mổ đã khâu lại lỗ thủng, đưa đại tràng ngang ra ngoài làm hậu môn nhân tạo ở mạn sườn trái cho bệnh nhân. Bệnh nhân sau mổ tiếp tục được hồi sức, truyền máu và dùng kháng sinh tại Khoa Ngoại Tiêu hóa - Gan mật. Theo bác sĩ Chung, đây là một trong những vết thương phức tạp. Người đâm có chủ ý, đâm xuyên nhiều tạng trong ổ bụng gây tổn thương phức tạp. Khó khăn nhất là bệnh nhân đứt động mạch lách gây chảy máu ồ ạt dẫn đến sốc trụy mạch; thứ hai, là vết thương xuyên thấu dạ dày, tổn thương đại tràng, ruột non, nếu kíp phẫu thuật ít kinh nghiệm dễ bỏ sót tổn thương do điểm tận cùng có thương tổn rất nhỏ. Trong khi đó, nếu để sót thương tổn không xử lý có thể gây ra tình trạng dò dịch tiêu hóa ra ổ bụng gây viêm phúc mạc toàn thể, nhiễm trùng, nhiễm độc dẫn tới tử vong.

Trao đổi với chúng tôi, chị Lương Thị Thoa, Điều dưỡng trưởng Khoa Gây mê - Hồi sức - người trực tiếp tham gia kíp mổ cho bệnh nhân Nguyễn Tiến Nam cho rằng bệnh nhân đã rất may mắn được đưa nhập viện kịp thời và được cấp cứu thành công. Chị cho biết: Khi chúng tôi tiếp nhận, bệnh nhân Nam có vết thương thấu bụng, mất máu quá nhiều dẫn đến tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Trong suốt quá trình phẫu thuật, chúng tôi đã hút từ ổ bụng, thấm từ vết thương được tới 4 lít máu và tiếp cho bệnh nhân tổng cộng 6 lít máu. Như vậy, bệnh nhân gần như thay máu hoàn toàn.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Chung: Thời gian gần đây, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận nhiều trường hợp tai nạn thương tích. Chúng tôi khuyến cáo, với trường hợp thương tích trên người trước tiên cần hết sức bình tĩnh, tìm những dụng cụ vô khuẩn sạch nhất, băng kín vết thương. Trường hợp vết thương ổ bụng lớn gây hở tạng thì khuyến cáo phải lấy dụng cụ sạch như bát ăn cơm sạch chụp kín vết thương sau đó buộc kín, tránh để tạng, vết thương tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Sau đó, cần đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển bệnh nhân lưu ý phải nhẹ nhàng, tránh để sốc.