1.Khái niệm
   Rượu là thức uống có cồn phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới. Công thức hóa học của rượu là Ethanol là: CH3 - CH2 - OH. Rượu được sử dụng với nồng độ khác nhau, tên gọi khác nhau và có hương vị khác nhau. Rượu hòa tan vô cùng ở trong nước, hòa tan trong dầu và trong các dung môi hữu cơ. Sau khi uống, khoảng 10% - 20% rượu được hấp thu tại dạ dày, phần còn lại hấp thu tại ruột non. Rượu hấp thu nhanh khi đói và hấp thu chậm khi no. Nồng độ rượu hấp thu trong máu cao nhất thông thường từ 40 đến 60 phút sau khi uống. Để bảo vệ chống tăng nồng độ rượu, cơ thể có cơ chế tự điều chỉnh. Khi nồng độ rượu quá cao trong dạ dày, dạ dày sẽ tiết dịch nhày làm giảm sự hấp thu rượu và đóng van môn vị lại gây hiện tượng nôn ói, hạn chế lượng rượu xuống ruột non, ngăn cản bớt sự hấp thu rượu, nên giảm lượng rượu hấp thu vào máu. Thức ăn chất đạm và chất béo làm chậm sự hấp thu rượu, trái lại nước uống làm tăng sự hấp thu rượu. Rượu vào máu và được phân bố toàn cơ thể. Rượu hòa tan trong nước nên ở tất cả các mô, do đó gây nguy cơ nhiễm độc cao. Khoảng 90% rượu được hấp thu, chuyển hóa ở gan, 10% bài tiết ở thận và nước tiểu và qua hơi thở ở phổi.

2.Dịch tễ học
             Theo báo cáo của WHO (2011) trên thế giới có khoảng 170 triệu người nghiện rượu và trên 400 triệu người lạm dụng rượu. Ở Mỹ, có khoảng 10% nam nghiện rượu trong khi ở nữ tỷ lệ này là 3 -  5%. Nghiện rượu là nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm như tai nạn, tự sát, giết người. Khoảng 30% người nghiện rượu có rối loạn tâm thần, 13 - 30% có các loại bệnh lí nội khoa, 80% có các bệnh lí chấn thương. Mô hình sử dụng rượu cũng thay đổi theo nhóm tuổi, trình độ học vấn cũng như mức thu nhập. Những người chưa xây dựng gia đình, li thân, li hôn uống nhiều rượu nhất và nghiện rượu nặng nhất.

Các mức độ sử dụng rượu
   Sử dụng hợp lý: Là uống rượu dưới 40g/ngày đối với nam và 20g/ngày đối với nữ. Không uống liên tục, đều đặn.
   Sử dụng mạo hiểm: Là uống rượu trên 40g/ngày đối với nam và 20g/ngày đối với nữ, không đều đặn. Mạo hiểm cũng có thể định nghĩa là các hành vi nguy cơ nhậu nhẹt đến mức nhiễm độc nặng, hoặc sử dụng trong các trường hợp không an toàn như khi lái xe, vận hành máy.
   Sử dụng có hại: Là sử dụng rượu gây hại thật sự về thể chất và tâm lý, sử dụng đều đặn hàng ngày trên 60g đối với nam và 40g đối với nữ.
   Lạm dụng rượu: Là sử dụng gây hại cho sức khỏe, tâm thần và cơ thể nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng về cơ thể và tâm thần. Chưa có trạng thái cai sinh học khi giảm hoặc ngừng uống, chưa có bằng chứng về sự dung nạp (tăng liều).  
   Nghiện rượu: Là sự thèm muốn mãnh liệt sử dụng rượu. Người sử dụng rượu phải tái sử dụng rượu sau một thời gian bỏ rượu để làm mất các cảm giác khó chịu do thiếu rượu gây ra. Được gọi là nghiện rượu khi người uống rượu có hơn 3 yếu tố sau:
+ Thèm muốn mạnh mẽ hoặc cảm thấy phải sử dụng rượu.

+ Khó khăn trong việc kiểm tra tập tính sử dụng rượu về mặt thời gian bắt đầu, kết thúc hoặc lượng rượu sử dụng.

+ Khi việc sử dụng rượu bị ngừng sẽ phát sinh hội chứng cai rượu.

+ Hiện tượng dung nạp rượu, nhu cầu phải tăng liều.

+ Sao nhãng các thú vui trước đây bằng thay thế đi tìm và sử dụng rượu, tăng số thời gian cần thiết để tìm kiếm hay sử dụng rượu.

+ Tiếp tục sử dụng rượu mặc dù biết rõ hậu quả tác hại do uống quá nhiều.

Nguyên nhân nghiện rượu
    Nguyên nhân cá nhân: Rượu thường được dùng để làm giảm bớt căng thẳng nội tâm.
Các yếu tố di truyền đóng một vai trò nhất định trong nhiều trường hợp. Rất nhiều người nghiện rượu đã hoặc đang có người nghiện rượu trong gia đình. Thế nhưng các nhà khoa học và bác sĩ vẫn chưa kết luận được là việc nghiện trong những trường hợp này thật sự là được di truyền lại hay chỉ là bắt trước.
   Nguyên nhân xã hội:
Ở nước ta rượu là một loại chất gây nghiện hợp pháp, sử dụng đặc biệt rất nhiều ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa và đặc biệt là trong các nghi lễ văn hóa, trong ma chay, cưới hỏi, giỗ tết…
Rượu trong nhiều nền văn hóa là một chất gây nghiện được xã hội công nhận, có thể dễ dàng kiếm được và rẻ tiền và ngay trong một số trường hợp việc uống rượu được dự kiến trước.
Trong nhiều dân tộc rượu đã hoàn toàn đi vào đời sống hằng ngày. Những người đàn ông có tửu lượng cao thường được xem là có tính khí đàn ông, đáng khâm phục và từng trải. Điều này khuyến khích cho việc lạm dụng rượu cũng như nghiện rượu.
   Môi trường làm việc nặng nhọc, sự thiếu hiểu biết và sự phổ biến những quan niệm sai lầm về tác dụng của rượu trong dân chúng: Rượu là thuốc bổ dưỡng nhanh chóng phục hồi sức khỏe,… Là những điều kiện thuận lợi làm phát sinh, phát triển việc làm dụng rượu và nghiện rượu.
   Đa số rượu được sản xuất thủ công từ bột gạo, bột nếp đến vỏ cây, bã mía, củ sắn, lá rừng,... Hầu như mọi nhà đều biết cách làm rượu.
   Chính phủ không kiểm soát được việc sản xuất rượu vì chưa có chính sách quốc gia phòng chống lạm dụng rượu, nghiện rượu.
   Người dân chưa thấy hết tác hại của việc lạm dụng rượu và một phần do rào cản văn hóa, phong tục, tập quán, thiếu hiểu biết nên thậm chí nhiều người có trách nhiệm phòng chống ma túy, hoạch định chính sách cũng lạm dụng rượu.
   Hậu quả của nghiện rượuHậu quả của rượu đối với cơ thể: Rượu gây tổn thương lan tràn trên khắp các mô và các cơ quan trong cơ thể.
Tác động trên hệ thống não bộ:
   Khác với nhiều người lầm tưởng, rượu không phải là chất kích thích mà là một chất làm suy giảm cả hai quá trình hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh trung ương. Tuy nhiên do rượu làm sự ức chế giảm mạnh trong lúc sự hưng phấn giảm ít hơn nên gây ra quá trình hưng phấn giả tạo. Vì vậy người nghiện rượu cảm thấy giảm lo âu, hăng hái, nói nhiều, hoạt động nhiều nhưng thiếu chính xác, lời nói không được kiềm chế, xuồng xã hay khoe khoang, tự cao tự đại hoặc xúc phạm người khác.
   Khi nồng độ rượu trong máu trên 0,3% sẽ bị rối loạn tư duy, tri giác, vận động, khi nồng độ rượu từ 0,4% đến 0,5% cả hai quá trình hưng phấn và ức chế bị suy giảm, người uống rượu có thể dẫn đến hôn mê. Khi nồng độ rượu đến 0,6% đến 0,7% người uống rượu có thể bị tử vong.
Người uống rượu thường xuyên kéo dài thường bị rối loạn cảm xúc, có tư tưởng chống đối, rối loạn lo âu, gần 40% số người nghiện rượu bị trầm cảm, có thể bị liệt mềm, mất trí.
   Một số bệnh não do rượu: Thường do thiếu dinh dưỡng và thiếu vitamin nhóm B gây ra, thường gặp một số bệnh như: Bệnh não Gayet - Wernike, loạn thần Korsakoff, bệnh Marchiafava - Bignami, Bệnh não giả Pellagra, bệnh Myeline, teo não.
Tác động trên hệ Tim mạch - Hô hấp:
   Tăng huyết áp, mach nhanh.
   Bệnh cơ tim trên người nghiện nặng.
   Chán ăn, phù, dễ dẫn đến hội chứng suy tim.
   Viêm phổi hoặc lao phổi mắc phải.
   Tác động trên hệ tiêu hóa:
   Rượu gây kích thích, viêm niêm mạc dạ dày, viêm teo dạ dày, loét dạ dày và xuất huyết dạ dày, viêm loét hành tá tràng.
   Hiện tượng trào ngược thực quản do viêm cơ vòng môn vị. Người nghiện cảm thấy nóng rát sau xương ức, cảm giác nôn, có thể gây nôn. Trường hợp nặng có thể thủng dạ dày ở vùng co thắt.
   Hấp thu kém, tiêu chảy thường gặp ở người nghiện rượu do rối loạn co bóp của dạ dày, bào mòn dịch nhày, rối loạn vận chuyển các vitamine và các  ion.
Tác động trên gan:
   Một lượng lớn rượu được chuyển hóa tại gan, do đó gan bị suy yếu, ngộ độc dẫn đến gan dễ bị nhiễm mỡ, có thể gây viêm gan do rượu.
   Người nghiện rượu lâu năm bị xơ gan, vàng da, lách to, cổ trướng, gan to hoặc teo nhỏ, teo tinh hoàn, chứng vú to….
 Các biểu hiện về dinh dưỡng:
   Rượu cản trở sự hấp thu, chuyển hóa các chất dinh dưỡng.
   Người nghiện rượu bị giảm acid folic gây thiếu máu.
   Giảm vitamine B1, vitamine B6, các ion, nhất là ion kẽm.
   Thiếu các vitamine hòa tan trong mỡ như vitamine A, vitamine D, vitamine E…
   Giảm đường máu gây run, co giật, mệt mỏi.
   Viêm đa dây thần kinh ngoại vi gây liệt mềm, mất trí..
   Tăng nguy cơ gây ung thư: Vòm hầu, họng, thanh quản, thực quản và gan.
   Đối với hoạt động tình dục: rượu làm suy giảm hoạt động tình dục. Nhiều người lầm tưởng rượu là chất gây hưng phấn tình dục. Thực tế, rượu là chất ức chế, do quá trình ức chế không đồng đều nên tạo ra trạng thái hưng phấn giả. Ở một liều lượng nhất định người uống cảm thấy tăng ham muốn tình dục, nhưng thực tế họ đang mất khả năng kiềm chế. Lúc này hoạt động tình dục không hiệu quả. Uống rượu kéo dài sẽ làm tổn thương tinh hoàn, dẫn đến vô sinh ở nam.Hậu quả của rượu về tâm thần
   Thay đổi cảm xúc: Rối loạn khí sắc, khoái cảm chiếm ưu thế, khoan khoái dễ chịu, nói năng luyên thuyên, khoác lác, hay đùa cợt, xàm sỡ, cáu gắt, công kích dọa nạt, chửi bới tấn công người khác.
   Trong một số ngày có thể thay đổi từ vui nhộn, khoan khoái với những câu bông đùa vô duyên, nông cạn chuyển sang quấy rầy, nổi khùng, cau có, gây gổ, độc ác hoặc có thể chuyển sang buồn rầu, đầy những sợ hãi, lo lắng, mơ hồ, về đêm thường thấy những mộng mị rời rạc, ngắn ngủi hoặc những rối loạn ảo giác lẻ tẻ, thường là ảo thị (nhìn thấy rắn rết, sâu bọ, hổ báo đang rượt đuổi theo bệnh nhân) khiến bệnh nhân có biểu hiện cảm xúc hốt hoảng, sợ hãi, la hét.
   Loạn thần do rượu: có các biểu hiện rối loạn tâm thần khi đang sử dụng rượu hoặc khi mới dừng uống.
   Sảng run do rượu là một trạng thái lú lẫn ngộ độc ngắn, nhưng đôi khi đe dọa tính mạng, kèm theo nhiều rối loạn cơ thể. Thường nó là hậu quả của cai rượu tuyệt đối hoặc tương đối ở những người nghiện rượu nặng, lâu ngày. Sảng run thường khởi đầu sau khi cai rượu.
   Hội chứng quên do rượu: suy giảm trí nhớ tăng dần, tiến triển đến lú lẫn và sút trí tuệ.Hậu quả của nghiện rượu đối với xã hội
   Người nghiện rượu giảm sút tình cảm đạo đức, không quan tâm đến gia đình, tiêu sài tất cả tiền bạc vào rượu, thiếu lịch sự và hành động quá khích.
   Người nghiện có cuộc sống tạm bợ, bê tha, hay nói dối, cuộc sống buông thả, dễ mắc nợ.
   Người nghiện giận giữ, dễ bị kích thích, hay gây sự cãi cọ, cục cằn, thường tấn công đập phá đồ đạc, đánh đập người thân gây mất hòa khí gia đình.
Với công việc: Người bệnh nghỉ việc thường xuyên, năng xuất công việc giảm sút, công việc thường bị gián đoạn, giảm hoặc mất thu nhập . Mất việc làm, không được đề bạt, bị sa thải, nợ nần, có thể cờ bạc. Thường vi phạm pháp luật do lái xe say rượu, giết người, bỏ mặc con cái.
Phòng chống tác hại của rượu
   1. Giáo dục: Tuyên truyền tác hại của rượu bằng mọi hình thức cho cộng đồng, đưa vào chương trình giáo dục trong các trường học.

   2. Thuyết phục: người nghiện chấp nhận đi cai nghiện ở các cơ sở y tế.

   3. Tăng cường nâng đỡ xã hội, quan tâm, chia xẻ, tạo việc làm, giúp đỡ người nghiện rượu tránh các tình huống tái sử dụng rượu.

Sách lược kiềm chế uống rượu: Khi vào một bữa tiệc có rượu, bạn nên:
   - Bắt đầu với một đồ uống không có rượu.

   - Chuyển sang đồ uống có hàm lượng rượu thấp.

   - Ăn trước khi uống rượu hoặc vừa ăn vừa uống để làm chậm sự hấp thu rượu.

   - Tham gia các hoạt động khác ngoài uống như chơi thể thao, bơi lội, cầu lông, bóng bàn, cờ vua …

   - Tránh tham dự vào các cuộc liên hoan có nguy cơ phải uống rượu.