HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG KHÁNG SINH MỚI TẠI BỆNH VIỆN

Tổ Dược lâm sàng - Thông tin thuốc

Nhằm tăng cường sử dụng kháng sinh an toàn hợp lý, ngăn ngừa vi khuẩn đề kháng kháng sinh.

Tổ Dược lâm sàng – Thông tin thuốc hướng dẫn sử dụng 03 kháng sinh mới hiện có tại bệnh viện như sau:

I.  Kháng sinh Cefepim* (Cepeme) 1g

1.   Quy chế kê đơn: là kháng sinh có dấu (*) theo TT số 40/TT-BYT ngày 17/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2.   Dược lý và cơ chế tác dụng

Cefepim là kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ 4, có phổ tác dụng rộng hơn các Cepalosporin thế hệ 3.

Cơ chế: ức chế tổng hợp mucopeptid ở thành tế bào vi khuẩn và không bị beta lactamase của các vi khuẩn Gram (-) thủy phân.

Thuốc có thể có tác dụng lên một số chủng Enterobacteriaceae và P. aeruginosa kháng cefotaxim hay ceftazidin. Cefepim có tác dụng lên các vi khuẩn Gram (+) (các Staphylococcus) mạnh hơn ceftazidim và có tác dụng tương tự như ceftriaxon. Thuốc tác dụng yếu lên các vi khuẩn kỵ khí (nhất là Bacteroides fragilis).

3.   Chỉ định

-Viêm phổi nặng có kèm theo nhiễm khuẩn huyết do các chủng nhạy cảm với thuốc.

- Nhiễm khuẩn nặng đường tiết niệu có biến chứng (kể cả có viêm bể thận kèm theo)

- Nhiễm khuẩn nặng ở da và cấu trúc da do các chủng Staphylococcus aureus nhạy methicillin (MSSA) hoặc Streptococcus pyogenes nhạy cảm với cefepim.

4.   Chống chỉ định: dị ứng với kháng sinh nhóm cephalosporin hoặc L-arginin

5.   Cách dùng

·  Đường dùng: tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, truyền tĩnh mạch

·  Pha tiêm, truyền:

-   Tiêm bắp: Hòa tan 1g Cefepim trong 2,4ml dung môi thích hợp (NCPT hoặc NaCl 0,9% hoặc Glucose 5% hoặc Lidocaine HCl 0,5-1%).

-   Tiêm tĩnh mạch: tiêm tĩnh mạch chậm 3 – 5 phút (không khuyến cáo sử dụng đường tiêm tĩnh mạch).

-   Truyền tĩnh mạch: hòa tan 1 – 2g Cefepim trong 100ml NaCl 0,9% hoặc Glucose 5%, truyền tĩnh mạch trong 30 phút (60 giọt/phút).

6.   Liều dùng

·  Liều khuyến cáo ở người lớn (mức lọc cầu thận CrCl > 60 ml/phút) và trẻ em > 12 tuổi

Loại nhiễm khuẩn Liều dùng 1 lần Khoảng cách đưa thuốc Độ dài điều trị (ngày)
Viêm phổi nặng, kể cả có nhiễm khuẩn huyết kèm theo 2g 12h/lần 10

Nhiễm khuẩn tiết niệu nặng (có biến chứng) kể cả có viêm bể thận.

Nhiễm khuẩn nặng ở da và cấu trúc da

2g 12h/lần 10

·     Đối với bệnh nhân suy thận

Liều khởi đầu được dùng như liều trên bệnh nhân có chức năng thận bình thường (ngoại trừ ở những bệnh nhân chạy thận nhân tạo). Tất cả các liều duy trì tiếp theo nên được giảm dựa trên CrCl theo bảng dưới đây

Mức lọc cầu thận ClCr (ml/phút) Liều dùng 1 lần Khoảng cách đưa thuốc
 30-60  2g  mỗi 24h
 11-29  1g  mỗi 24h
 < 11  500 mg  mỗi 24h
 Thẩm phân màng bụng  2g  mỗi 48h
 Thẩm phân máu  1g/lần vào ngày đầu, các ngày sau đó 500mg cách 24h một lần  1g/lần vào ngày đầu, các ngày sau đó 500mg cách 24h một lần

7. Tương tác thuốc.

- Nguy cơ tăng độc tính trên thận khi sử dụng đồng thời với kháng sinh nhóm Aminoglycosid và các thuốc gây độc thận khác (furosemid).

8. Phụ nữ mang thai: có thể dùng cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên cần cân nhắc nguy cơ và lợi ích.

9. Phụ nữ cho con bú: Thuốc bài tiết qua sữa mẹ, thận trọng khi sử dụng.

II. Kháng sinh Cefoxitin (Cefoxitin panpharma) 1g

1. Dược lý và cơ chế tác dụng

- Cefoxitin là một kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ 2.

- Cơ chế tác dụng: ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn.

Cefoxitin có hoạt tính trên vi khuẩn gram (+), gram (-) (bao gồm cả các chủng tiết betalactamase) và vi khuẩn kỵ khí.

2.Chỉ định

·  Các nhiễm khuẩn gây ra bởi vi khuẩn nhạy cảm với cefoxitin, không bao gồm viêm màng não. Chỉ định cụ thể như sau:

- Nhiễm trùng đường hô hấp: viêm phổi và áp-xe phổi

- Nhiễm trùng tiết niệu.

- Nhiễm trùng ổ bụng: viêm phúc mạc và áp-xe trong ổ bụng

- Nhiễm trùng phụ khoa: viêm nội mạc tử cung, viêm mô tế bào chậu và viêm vùng chậu.

Cefoxitin không có hoạt tính chống Chlamydia trachomatis. Do đó, khi sử dụng cefoxitin trên bệnh nhân viêm vùng chậu và C. trachomatis là một trong những tác nhân được nghi ngờ, phải thêm kháng sinh điều trị Chlamydia.

- Nhiễm trùng huyết

- Nhiễm trùng xương khớp.

- Nhiễm trùng da và cấu trúc da.

·  Dự phòng nhiễm khuẩn hậu phẫu, đặc biệt khi kết hợp cả vi khuẩn kỵ khí và hiếu khí, trong phẫu thuật thường hoặc phẫu thuật nội soi: phẫu thuật đường tiêu hóa, phẫu thuật phụ khoa, cắt bỏ tử cung, các can thiệp âm đạo khác, phẫu thuật ổ bụng, nha khoa, đầu và cổ (đặc biệt khi mở đường hầu họng).

3. Chống chỉ định

- Dị ứng với kháng sinh nhóm cephalosporin

- Trẻ em

4. Cách dùng

·  Đường dùng: tiêm tĩnh mạch, truyền tĩnh mạch

·  Cách dùng:

- Tiêm tĩnh mạch: hòa tan 1 – 2g Cefoxitin vào 10ml NCPT, tiêm tĩnh mạch chậm 3 – 5 phút.

- Truyền tĩnh mạch: hòa tan 1 – 2g Cefoxitin trong 100ml NaCl 0,9% hoặc Glucose 5%, truyền tĩnh mạch trong 30 phút (60 giọt/phút).

5. Liều dùng

·  Điều trị: 1 – 2g/lần, cách 8h/lần (3 – 6g/ngày)

·  Dự phòng phẫu thuật:

-   Người lớn: 2g tiêm tĩnh mạch trước khi phẫu thuật (khoảng 30 – 60 phút trước khi rạch da) tiếp theo là 2g mỗi 6h sau liều đầu tiên, dùng không quá 24 giờ.

-   Mổ lấy thai: 2g tiêm tĩnh mạch ngay sau kẹp rốn, lặp lại 2g sau 4h và sau 8h.

·  Đối với bệnh nhân suy thận

-   Dùng liều khởi đầu 1 -2g. Sau liều này, dùng liều duy trì theo khuyến cáo trong bảng sau:

Mức lọc cầu thận ClCr (ml/ phút) Liều dùng 1 lần Khoảng cách đưa thuốc
50-30 1-2 g 8- 12h/lần
29-10 1-2 g 12-24h/lần
9-5 0,5-1 g 12- 24h/lần
<5 0,5-1 g 24-48h/lần

6. Tương tác thuốc

- Nguy cơ tăng độc tính trên thận khi sử dụng đồng thời với kháng sinh nhóm Aminoglycosid và các thuốc gây độc thận khác (furosemid).

- Tăng hoạt tính các thuốc chống đông máu đường uống và có thể cần giảm liều thuốc này.

7. Phụ nữ mang thai: có thể dùng cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên cần cân nhắc nguy cơ và lợi ích.

8. Phụ nữ cho con bú: Qua sữa với nồng độ thấp. Viện nhi khoa Hoa Kỳ xếp Cefoxitin vào nhóm sử dụng được trên phụ nữ cho con bú.

III. Kháng sinh Netilmicin* (Negabact 100mg/2ml)

1.   Quy chế kê đơn: là kháng sinh có dấu (*) theo TT số 40/TT-BYT ngày 17/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2.   Dược lý và cơ chế tác dụng

- Netilmicin là một aminoglycosid bán tổng hợp, có tác dụng hậu kháng sinh.

- Cơ chế tác dụng: ức chế sinh tổng hợp protein của vi khuẩn.

Netilmicin có hoạt tính trên vi khuẩn Gram (-) họ Enterobacteriaceae và một số vi khuẩn Gram (+), không có hoạt tính chống vi khuẩn kỵ khí.

3.   Chỉ định

Điều trị một số bệnh nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn Gram (-) bao gồm cả vi khuẩn đã kháng Gentamicin, Tobramycin và Amikacin:

- Nhiễm khuẩn đường mật

- Nhiễm khuẩn xương – khớp

- Nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương

- Nhiễm khuẩn ổ bụng

- Viêm phổi do các vi khuẩn Gram (-)

- Nhiễm khuẩn máu

- Nhiễm khuẩn da và mô mềm (bao gồm cả nhiễm khuẩn vết bỏng)

- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu hay tái phát và có biến chứng, nhiễm khuẩn lậu cấp tính

4. Chống chỉ định: Quá mẫn với Netilmicin và các aminoglycosid khác.

5. Cách dùng

·     Đường dùng: Tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, truyền tĩnh mạch

·     Cách dùng:

- Tiêm bắp: không ưu tiên dùng đường tiêm bắp

- Tiêm tĩnh mạch: tiêm trực tiếp, chậm trong 3 – 5 phút

- Truyền tĩnh mạch: Pha loãng 100mg Netilmicin trong 100ml NaCl 0,9% hoặc

Glucose 5%, truyền tĩnh mạch 60 phút (30 giọt/phút).

6. Liều dùng

·  Người lớn chức năng thận bình thường

Loại nhiễm khuẩn Liều dùng 1 lần Khoảng cách đưa thuốc
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu 150mg 24h/lần
Nhiễm khuẩn vừa đến nặng 4-6mg/kg 24h/lần
Nhiễm khuẩn nặng đe dọa tính mạng 7,5mg/kg 24h/lần

·        Bệnh nhân suy thận

Mức lọc cầu thận ClCr (ml/ phút) Liều dùng 1 lần Khoảng cách đưa thuốc
>80 6,5mg/kg cân nặng 24h/lần
60 – 80 5mg/kg cân nặng 24h/lần
40 – 60 4mg/kg cân nặng 24h/lần
30 – 40 2mg/kg cân nặng 24h/lần
20 – 30 3mg/kg cân nặng 48h/lần
10 – 20 2,5mg/kg cân nặng 48h/lần
<10 2mg/kg cân nặng 72h/lần
Thẩm phân máu Liều 2mg/kg cân nặng sau mỗi lần thẩm phân máu Liều 2mg/kg cân nặng sau mỗi lần thẩm phân máu

·  Trẻ em

-   Trẻ đẻ non và sơ sinh dưới 1 tuần tuổi: 6mg/kg/ngày, 1 lần duy nhất.

-   Trẻ dưới 6 tuần tuổi: 4-6,5mg/kg/ngày, 1 lần duy nhất.

-   Trẻ em từ 6 tuần tuổi trở lên và trẻ lớn: 5,5-8mg/kg/ngày, 1 lần duy nhất.

7. Tương tác thuốc.

- Nguy cơ tăng độc tính trên thận, tai, ức chế thần kinh cơ và giảm khả năng thấm thuốc vào trong tế bào vi khuẩn khi sử dụng đồng thời với kháng sinh nhóm Aminoglycosid, thuốc giảm đau Opioid, truyền máu chống đông có citrat.

- Nguy cơ tăng độc tính trên thận và tai khi phối hợp với Vancomycin, các thuốc lợi tiểu mạnh (Furosemid) nên cần giảm liều hoặc tăng khoảng cách đưa thuốc.

8. Phụ nữ mang thai: Chỉ dùng khi bệnh nặng đe dọa tính mạng mà thuốc khác không thể sử dụng được hoặc không có hiệu lực

9. Phụ nữ cho con bú: Bài tiết vào sữa với lượng nhỏ, thận trọng khi sử dụng