KHOA MIỄN DỊCH - DI TRUYỀN PHÂN TỬ

               Tập thể  khoa Miễn dịch – Di truyền phân tử, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên

1. Khoa Miễn dịch – Di truyền phân tử

(Immunology – Molecular Genetics Departement)

Điện thoại: 02083 858 967    Email: shpt.bvtutn@gmail.com

Tầng 8, tòa nhà C (nhà 15 tầng), Bệnhh viện Trung ương Thái Nguyên

Số 479, Đường Lương Ngọc Quyến, thành phố Thái Nguyên

2. Ban lãnh đạo đương nhiệm:

1.      TS.BS. Bùi Thị Thu Hương:  Q.Trưởng Khoa

2.      CN. Trần Trung Anh: Q. Kỹ thuật viên trưởng

 
Q.TRƯỞNG KHOA
 
TS.BS. Bùi Thị Thu Hương
 
Q. KTV TRƯỞNG KHOA

CN. Trần Trung Anh

3. Cơ cấu tổ chức 

 Sơ đồ cơ cấu tổ chức khoa Miễn dịch – Di truyền phân tử

Bao gồm 11 CBVC chuyên môn; 01 nhân viên ICT (thuộc công ty ICT)

3.1. Sơ lược quá trình phát triển của đơn vị, tổ chức

Khoa Miễn dịch - Di truyền phân tử được thành lập theo quyết định số 56/QĐ-BV, ngày 20/1/2016 của Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và ngày 5/6 khoa chính thức đi vào hoạt động, đã từng bước triển khai những xét nghiệm cơ bản phục vụ người bệnh. Ứng dụng sinh học phân tử trong y học là phương pháp chẩn đoán tiên tiến, hỗ trợ điều trị trúng đích, đặc biệt là trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm trùng, ung thư, bệnh di truyền và chẩn đoán trước sinh. Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử - di truyền có ưu điểm nổi bật là áp dụng quy trình kín, tự động hoàn toàn, loại bỏ nhiễm chéo, cho kết quả nhanh, an toàn trong quá trình xử lý mẫu, đa dạng về bộ KIT (ung thư tạng đặc, tạng rỗng, kháng thuốc, bệnh nhiễm trùng …).

Trong khi đó, tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, số lượng người bệnh điều trị các nhóm bệnh này không ngừng gia tăng. Đặc biệt hiện nay, Bệnh viện đang triển khai các kỹ thuật cao mới như phẫu thuật tim, can thiệp tim mạch, ghép tạng (thận)….Phòng xét nghiệm sinh học phân tử - di truyền của Bệnh viện đi vào hoạt động sẽ góp phần chẩn đoán sớm tại chỗ (người bệnh không phải đi Hà Nội), theo dõi điều trị bệnh hiệu quả rút ngắn thời gian điều trị và chi phí cho người bệnh.

Là bệnh viện thực hành chính của Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên, việc Khoa xét nghiệm Miễn dịch – Di truyền phân tử của Bệnh viện đi vào hoạt động còn có ý nghĩa rất lớn trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, góp phần vào công cuộc xây dựng và nâng cấp để trở thành bệnh viện đạt các tiêu chuẩn của bệnh viện hạng đặc biệt - tuyến cuối của quốc gia vào năm 2020.

3.2. Tình hình nhân lực hiện nay

Tổng số CBVC: 11, trong đó: Tiến sỹ, bác sỹ: 03; Thạc sỹ, Bác sỹ: 03; Cử nhân đại học: 03; Cử nhận cao đẳng:01; KTV trung học: 01 (hiện đang tiếp tục theo học chương trình cử nhân kỹ thuật xét nghiệm)

Các cán bộ được đào tạo tại các trường Đại học Y Dược Thái Nguyên, Đại học Y Hà Nội, Đại học kỹ thuật Y tế Hải Dương, Đại học Khoa học - Công nghệ Thái Nguyên.
 

3.3. Điểm mạnh của đơn vị

Khoa Miễn dịch – Di truyền phân tử với 11 cán bộ viên chức, được đào tạo bài bản tại các trường có uy tín trong nước. Các kỹ thuật viên được đào tạo liên tục để hướng tới chuyên nghiệp sẵn sàng đáp ứng kịp thời và chính xác mọi nhu cầu về xét nghiệm của người bệnh và người sử dụng dịch vụ xét nghiệm.

Các cán bộ của khoa đã được tham quan và học hỏi kinh nghiệm các mô hình hoạt động của khoa Sinh học phân tử Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố HCM, Trung tâm nghiên cứu Gen – Protein Trường Đại học Y Hà Nội... Các cơ sở này đã tạo điều kiện giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai và thực hiện các kỹ thuật sinh học phân tử từ cơ bản đến nâng cao.

Đặc biệt, tham gia công tác kiêm nhiệm tại khoa có: Ths Nguyễn Kiều Giang – Giám đốc Trung tâm Huyết học Truyền máu, Ts Lê Thị Hương Lan – Trưởng khoa Sinh hóa, Bs Nguyễn Thị Huyền – Trưởng khoa Vi sinh; Ts Nguyễn Thị Ngọc Hà – Trưởng Bộ môn Miễn dịch-Sinh lý bệnh (Trường ĐH YD Thái Nguyên) tạo nền tảng chuyên môn vững chắc cho khoa phát triển theo nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ngoài ra, Khoa còn được các chuyên gia tại các Trung tâm lớn (Trung tâm nghiên cứu gen- protein Trường đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện lâm sàng các bệnh nhiệt đới…) hỗ trợ chuyên môn trong giai đoạn đầu hoạt động.

3.4. Cơ sở vật chất, trang thiết bị

Mặt bằng của Khoa được bố trí tại tầng 8 khu nhà kỹ thuật 15 tầng với diện tích 300m2, thiết kế theo hướng phòng xét nghiệm hiện đại, luồng công việc 1 chiều thuận lợi.


Gồm 2 khu vực hoạt động: Khu Hành chính và khu Kỹ thuật

Khoa đang từng bước được trang bị các máy móc hiện đại về Sinh học phân tử, nhằm nâng cao chất lượng xét nghiệm và giảm thời gian trả kết quả từ khi lấy máu đến khi nhận kết quả, đáp ứng kịp thời yêu cầu điều trị của bác sỹ lâm sàng và người bệnh.

4. Hoạt động chuyên môn

Xét nghiệm phục vụ người bệnh trong lĩnh vực sinh học phân tử, đáp ứng kịp thời các nhu cầu về số lượng và chất lượng xét nghiệm ngày càng tăng của Bệnh viện. Thực hiện các xét nghiệm kỹ thuật cao phục vụ người bệnh. Phát triển khoa học kỹ thuật mới theo danh mục kỹ thuật phân tuyến của Bệnh viện trung ương. Kịp thời cập nhật các xét nghiệm mới, kỹ thuật mới, phương pháp mới đảm bảo chất lượng, tính cập nhật của dịch vụ xét nghiệm.

 - Chẩn đoán các mầm bệnh sinh học ở mức độ gen: Các mầm bệnh như lao, não mô cầu, H.pylori, các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn huyết, các vi rút viêm gan (B,C), HPV, CMV, EBV, VZV, BK/JK vi rút, Dengue, vi rút cúm H1N1,..

- Tiên lượng, theo dõi kết quả điều trị một số bệnh lý: Định lượng nồng độ vi rút viêm gan B, C, HIV. Xác định đột biến gen kháng thuốc của vi khuẩn lao, H.pylori, vi rút viêm gan B, HIV. Theo dõi điều trị các bệnh ung thư máu, bạch cầu tủy cấp, mạn.

- Chẩn đoán các bệnh ung thư ở mức độ gen như: BCR/ABL, Jack 2, GSTP 1, P53. Xác định các đột biến gen liên quan đến ung thư và phục vụ cho điều trị đích như: Kras, Braf, EGFR…

- Tham gia chẩn đoán chuẩn bị cho ghép tạng (định type HLA, định danh kháng thể anti HLA, phản ứng đọ chéo cross match, CMV, EBV,…) và theo dõi sau ghép tạng.

- Tham gia chẩn đoán đột biến gen gây các bệnh lý di truyền: thalassemia, hemophilia, SMA, Duchen, Bệnh tạo xương bất toàn….

- Tham gia sàng lọc và chẩn đoán trước sinh các bệnh lý chuyển hóa, di truyền: Hội chứng Down, hội chứng Edwards, hội chứng Patau, nhiễm sắc thể Philadelphia, hội chứng Turner, hội chứng Klinefelter, thiếu enzyme G6PD, tăng sản thượng thận bẩm sinh, suy giáp bẩm sinh….

- Hướng tới  y học cá thể hóa và  điều trị bệnh bằng liệu pháp gen trong tương lai.

- Thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán các bệnh dị ứng, miễn dịch.

- Tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác Quốc tế và công tác chỉ đạo tuyến.

- Tổ chức quản lý chuyên môn và quản lý hành chính các hoạt động của phòng xét nghiệm theo tiêu chí của Bộ Y tế, từng bước hoàn thiện bộ qui trình chuẩn (SOP) theo tiêu chuẩn chất lượng. Xây dựng kế hoạch áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng Tiêu chuẩn ISO 15189 (2016- 2017) trong quản lý chất lượng xét nghiệm. Thực hiện nội kiểm tra chất lượng hàng ngày và tham gia các chương trình ngoại kiểm quốc gia.

5. Hoạt động khác

+ Nghiên cứu khoa học và đào tạo: Khoa thực hiện đào tạo nội bộ, đánh giá nội bộ theo hướng dẫn về tiêu chuẩn quản lý chất lượng.

+ Hướng dẫn các học viên đại học, sau đại học và nghiên cứu sinh của các trường Đại học Y dược Thái Nguyên, Đại học Thái Nguyên ….

+ Là cơ sở thực hành, thực tế tốt nghiệp cho các trường Đại học, cao đẳng chuyên ngành Y khoa trong và ngoài tỉnh.

+ Thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng phục vụ hoạt động chuyên môn. Tham gia cộng sự các đề tài cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp bộ. Tham gia hoạt động sáng tạo công nghệ hàng năm..

 6. Định hướng phát triển

Ứng dụng và cập nhật những xét nghiệm mới, phương pháp mới trong xét nghiệm phục vụ người bệnh, góp phần cùng Bệnh viện phấn đấu đạt tiêu chuẩn của bệnh viện hạng đặc biệt vào năm 2020.

Chú trọng nâng cao chất lượng xét nghiệm. Có kế hoạch áp dụng hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm theo tiêu chuẩn ISO 15189 trong thời gian tới.

Phấn đấu đạt và duy trì hệ thống chất lượng đã thiết lập được đáp ứng tốt chất lượng xét nghiệm, chất lượng dịch vụ phục vụ kịp thời công tác chẩn đoán và điều trị, phục vụ tốt nghiên cứu khoa học và đào tạo./.

 

ỨNG DỤNG CỦA SINH HỌC PHÂN TỬ TRONG CHẨN ĐOÁN VÀ THEO DÕI ĐIỀU TRỊ BỆNH NHÂN VIÊM GAN VIRUS B,C

TS.BS Bùi Thị Thu Hương

Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng dịch tễ có tỷ lệ viêm gan cao, Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B chiếm 10%-20% tổng dân số. Tỷ lệ nhiễm cao nên tỷ lệ mắc ung thư gan ở cả hai giới chiếm 4% tổng số các ca ung thư, đứng thứ 3 ở nam và đứng thư 5 ở nữ.

Căn bệnh này lây lan lặng lẽ, tiến triển âm thầm. Đa số người bị nhiễm siêu vi B đều không biết là mình bị nhiễm và có thể vô tình lây sang người khác qua đường máu. Do đó số lượng người nhiễm virus viêm gan B mạn là khá cao, mặc dù vậy nhiều người bị nhiễm virus viêm gan B mạn có thể sống lâu và khoẻ mạnh, nhưng có 10-40% người sẽ bị viêm gan B tiến triển thành xơ gan và ung thư gan nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Bệnh viêm gan siêu vi B lưu hành trong máu có thể lây nhiễm qua các đường sau: từ mẹ sang con, đường tình dục, đường máu.

Có 5 xét nghiệm hay được dùng trong chẩn đoán, đánh giá virus viêm gan siêu vi B trước đây là HBsAg, AntiHBs, HBeAg, AntiHBe, AntiHBc IgM và AntiHBc IgG. Các xét nghiệm này là những xét nghiệm cơ bản, dùng phương pháp miễn dịch để phát hiện nhưng vẫn có một số hạn chế.

Nhờ vào kỹ thuật sinh học phân tử ứng dụng vào phân tích DNA của HBV mà chúng ta có thể giải quyết được các hạn chế của kỹ thuật miễn dịch giúp chúng ta có những cơ sở đánh giá tình trạng bệnh, khả năng diễn tiến của bệnh, theo dõi điều trị bệnh và lựa chọn phương thuốc điều trị thích hợp.

Cho đến nay chúng ta có thể thực hiện được một số xét nghiệm sinh học phân tử ở HBV như sau:

- Định tính bằng kỹ thuật PCR: Kỹ thuật này có thể phát hiện DNA của HBV trong máu hoặc trong tế bào gan khi HBsAg đã biến mất. Đây là phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, nó là một công cụ lý tưởng trong chẩn đoán sớm và chính xác

- Đo tải lượng virus HBV: sử dụng kỹ thuật Realtime PCR. Nhờ xác định được số lượng virus trước khi điều trị mà chúng ta có thể theo dõi số lượng virus trong quá trình điều trị: Tăng giảm như thế nào để có sự thay đổi điều trị kịp thời và hiệu quả.

- Xác định kiểu gen HBV: sử dụng kỹ thuật giải trình tự hoặc RFLP. Có 8 kiểu genotype của HBV (A-H), sự phân bố genotype tùy thuộc vào các khu vực, ở Việt Nam chủ yếu là C rồi đến B. Genotype của HBV liên quan khá nhiều đến tiến triển bệnh, đột biến và kháng thuốc. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy genotype C đáp ứng kém với thuốc kháng virus, nguy cơ đột biến core promoter cao và nguy cơ ung thư gan cao hơn genotype B. Do ý nghĩa như vậy nên nhiều xét nghiệm xác định genotype HBV được chi định trong lâm sàng.

- Xác định kháng thuốc: Nếu đã bị chẩn đoán là bị viêm gan B mạn tính (tiêu chuẩn chẩn đoán là HBV-DNA trên 105 copies/ml, alanine aminotransferase (ALT) test cao gấp 2 lần bình thường hay xét nghiệm sinh thiết hoặc fibroscan thấy tổ chức gan bị tổn thương) thì nhất thiết phải được điều trị đặc hiệu để kiềm chế không cho virus nhân bản để gây tổn thương gan. Thời gian điều trị bằng thuốc kháng virus có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm vì chỉ khống chế được virus không cho nhân bản chứ rất hiếm khi loại trừ được virus vì chúng tồn tại trong tế bào gan ở dạng cccDNA (covalently closed circular DNA) không bị tác động bởi thuốc kháng virus. Vì phải điều trị thuốc kháng virus một thời gian dài nên virus có cơ hội tiếp xúc với thuốc kháng virus và như vậy là chúng có cơ hội đột biến để kháng thuốc. Do vậy nếu trong thời gian điều trị, xét nghiệm theo dõi virus mà HBV DNA bỗng nhiên trở lại dương tính và lượng HBV DNA tăng lên dần thì đây chính là dấu hiệu cho biết virus có khả năng kháng lại thuốc đang điều trị. Lúc này cần phải xét nghiệm để phát hiện xem thuốc có bị virus đề kháng không.

Một số xét nghiệm sinh học phân tử ở HCV như sau:

- Định tính bằng kỹ thuật PCR: Kỹ thuật này có thể phát hiện RNA của HCV trong máu hoặc trong tế bào gan ngay cả khi anti HCV âm tính. Đây là phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, nó là một công cụ lý tưởng trong chẩn đoán sớm và chính xác

- Đo tải lượng virus HCV:  Xét nghiệm HCV RNA định lượng, phát hiện và đo lường tải lượng RNA virus trọng máu. Xét nghiệm tải lượng virus thường được sử dụng trước và trong khi điều trị để giúp xác định sự đáp ứng với điều trị bằng cách so sánh số lượng virus trước và trong thời gian điều trị (thường là ở một số thời điểm trong ba tháng đầu điều trị).

- Xác định kiểu gen HCV (HCV genotype): Kết quả của xét nghiệm này đóng vai trò rất quan trọng vào việc điều trị viêm gan C. Tùy vào genotype người bệnh mắc mà có các phác đồ điều trị phù hợp, mỗi genotype khác nhau sẽ có các điều trị khác nhau. Xác định kiểu gen virus được sử dụng để xác định các loại, hoặc kiểu gen, hiện tại virus HCV có 6 loại chính, phổ biến nhất (genotype 1) là ít có khả năng đáp ứng với điều trị so với genotype 2 hoặc 3 và thường đòi hỏi điều trị lâu hơn.

Căn bệnh viêm gan siêu vi B,C đã và đang rất được quan tâm, việc áp dụng kỹ thuật kỹ thuật sinh học phân tử, chúng ta có thể giải quyết những vấn đề cơ bản, cần thiết trong chẩn đoán và điều trị, bác sĩ có thể đánh giá và biết chi tiết, toàn diện virus viêm gan B,C ở mỗi bệnh nhân để từ đó có một phác đồ điều trị tối ưu. Đông thời nhằm đạt hiệu quả trong việc điều trị được căn bệnh này bệnh nhân nên phối hợp cùng bác sĩ khám định kỳ và thực hiện các xét nghiệm để có thể phát hiện sớm các thay đổi để có hướng điều trị tốt nhất.

 

BỆNH THALASSEMIA – HIỂU BIẾT, PHÒNG TRÁNH VÀ ĐIỀU TRỊ

Bs Mai Anh Tuấn

Thalassemia (còn gọi là Bệnh tan máu bẩm sinh) được thế giới phát hiện và nghiên cứu từ năm 1925, tại Việt Nam, bệnh được các nhà khoa học nghiên cứu vào năm 1960. Thalassemia được ví như quả bom nguyên tử đã nổ tại Việt Nam nhưng không nghe được tiếng nổ. Bệnh đã và đang gây ra gánh nặng bệnh tật và chi trả không chỉ cho người bệnh mà cả ngành y tế. Về lâu dài, bệnh gây suy thoái giống nòi, tạo ra hệ lụy cho đời sống của người bệnh và cộng đồng. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng tránh được khi có hiểu biết đầy đủ về bệnh và có biện pháp phòng tránh ngay từ hôm nay.

 

Dịch tễ học bệnh thalassemia

Thalassemia là bệnh lý huyết học di truyền phổ biến nhất trên thế giới. Người bình thường có 2 gen khỏe mạnh, người bị bệnh có 2 gen bệnh, người mang gen có 1 gen bệnh và 1 gen khỏe mạnh. Bệnh di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường.

Bệnh có ở mọi quốc gia, dân tộc, bệnh xuất hiện ở cả nam và nữ. Ước tính trên thế giới hiện có khoảng 7% dân số mang gen bệnh; 1,1% các cặp vợ chồng có nguy cơ sinh con bị bệnh; 0,27% trường hợp có thai sinh ra con bị bệnh HST; mỗi năm có khoảng 300.000 – 500.000 trẻ sinh ra bị bệnh Thalassemia mức độ nặng.

Ở Việt Nam, theo ước tính chưa đầy đủ thì có khoảng 10 triệu người mang gen bệnh Thalassemia (người mang gen không có biểu hiện bệnh lý nhưng là nguồn di truyền gen bệnh cho thế hệ sau). Với nguồn gen bệnh này, Ước tính hiện nay có khoảng 20.000 người bị Thalassemia thể nặng và hàng năm sẽ có thêm khoảng 2.000 trẻ em sinh ra bị bệnh Thalassemia cần được điều trị truyền máu thải sắt. Tuy nằm trong vùng dịch tễ nhưng hiện tại, Việt Nam hiện chưa có chương trình dự phòng bệnh cấp Quốc gia như một số nước trong khu vực. Các biện pháp điều trị triệt để như ghép tuỷ, cấy chuyển trước phôi, liệu pháp gen … vẫn còn đang được nghiên cứu.

Tại Thái Nguyên, theo số liệu của các tác giả Nguyễn Đình Học (2007), Vũ Thị Bích Vân (2012), Nguyễn Kiều Giang, Nguyễn Tiến Dũng (2016), tỷ lệ mang gen tan máu bẩm sinh trong nhóm dân tộc thiểu số tại cộng đồng (như Tày, Dao, Nùng, H’ Mông) là rất cao, giao động từ 9% đến 27%. Hàng năm, bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên tiếp nhận và điều trị từ 190-230 bệnh nhân thalassemia, với 350-500 lượt nhập viện truyền máu thải sắt (Theo báo cáo bệnh viện 2013). Theo tác giả Nguyễn Văn Sơn, Đặng Văn Thức (2005), Nguyễn Thị Ngọc Hà (2015), bệnh tan máu bẩm sinh đứng đầu trong nhóm bệnh di truyền dòng tế bào hồng cầu điều trị tại khoa Nhi. Tần xuất các thể bệnh đứng đầu là beta thalassemia đồng hợp tử (60%-73%), beta thalassemia kết hợp HbE (25,7%-27%), và alpha thalassemia - HbH (0-14,3 %).

Nguyên nhân gây bệnh, cơ chế di truyền

Bệnh gây ra do các đột biến trong gen tổng hợp chuỗi globin dẫn đến thiếu hụt tổng hợp chuỗi globin kéo theo suy giảm số lượng huyết sắc tố HbA trong tế bào hồng cầu. Kết hợp với cơ chế di truyền trên nhiễm sắc thể thường mà phát sinh nhiều kiểu hình ở thể hệ sau. Tuỳ vào kiểu đột biến gien ở thế hệ bố mẹ mà thể hiện ra triệu chứng lâm sàng ở con, tuy nhiên 2 thể lâm sàng phổ biến nhất là Alpha-Thalassemia và Beta-Thalassemia. Cụ thể hơn thì có 3 thể thalassemia có biểu hiện thiếu máu từ trung gian đến nặng trên lâm sàng, đây cũng là 3 thể bệnh nằm trong mục tiêu dự phòng của các quốc gia có chường trình phòng chống tan máu bẩm sinh, các thể này gồm:

·        Beta thalassemia đồng hợp tử (Bệnh Cooley)

·        Beta thalassemia kết hợp HbE

·        Alpha thalassemia đồng hợp tử (Bệnh phù thai Bart’s Hydrop Fetalis)

Cơ chế di truyền được thể hiện ở sơ đồ sau:

 
Cơ chế di truyền bệnh Thalassemia

Mức độ biểu hiện bệnh

Bệnh có 5 mức độ biểu hiện tùy theo số lượng gen bị tổn thương:

·        Mức độ rất nặng có biểu hiện phù thai từ khi còn trong bụng mẹ (những trường hợp thường gây hỏng thai trước khi sinh).

·        Mức độ nặng có biểu hiện thiếu máu nặng khi trẻ chưa đến 2 tuổi;

·        Mức độ trung bình thường có biểu hiện thiếu máu rõ khi trẻ trên 6 tuổi;

·        Mức độ nhẹ, triệu chứng máu thường rất kín đáo, người bệnh thường chỉ được phát hiện khi có kèm theo bệnh lý khác như nhiễm trùng, phẫu thuật, có thai;

·        Thể ẩn không có biểu hiện gì khác biệt, không thiếu máu (thậm chí có thể hiến máu được).

Phòng bệnh và điều trị

Phòng bệnh cần hiểu biết được cơ chế di truyền thì hoàn toàn có thể phòng tránh được. Tránh không sinh ra trẻ mang 2 gen bệnh do nhận từ cả bố và mẹ bằng các biện pháp như:

·        Tầm soát và phòng tránh bệnh từ sớm: Với các biện pháp xét nghiệm, tư vấn tiền hôn nhân. Các cặp vợ chồng chuẩn bị có thai hoặc đang mang thai, đặc biệt các gia đình đã có người bệnh Thalassemia nên được tư vấn và chẩn đoán tiền hôn nhân

·        Sàng lọc  phát hiện bệnh sớm cho thai nhi: Phòng ngừa bằng các xét nghiệm tầm soát và chẩn đoán gen đột biến trong thời thai kỳ. Đây là biện pháp hiệu quả và chi phí thấp. Nếu cả vợ và chồng đều mang gen thì thai nhi có 25% nguy cơ bị mắc bệnh ở thể nặng, trường hợp này cần được thực hiện chẩn đoán trước sinh bằng phương pháp chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau và tìm đột biến gen.

Thalassemia là bệnh có thể phòng tránh được. Do vậy, việc phòng tránh, tìm hiểu và được tư vấn, tầm soát gen bệnh sớm, trước kết hôn sẽ hạn chế được nguy cơ sinh ra những đứa trẻ mang gen hoặc bị bệnh, góp phần đảm bảo chất lượng dân số cho cộng đồng.

 

ỨNG DỤNG CÁC KỸ THUẬT SINH HỌC PHÂN TỬ TRONG SÀNG LỌC, CHẨN ĐOÁN  ĐỘT BIẾN GEN TRONG BỆNH THALASSEMIA

·        Phát hiện người mang gen và tư vấn di truyền tiền hôn nhân là chìa khoá thành công của chương trình dự phòng bệnh thalassemia.

·        Chẩn đoán trước sinh là biện pháp trực tiếp giảm thiểu các trường hợp mắc mới thalassemia thể nặng.

·        Xác định chính xác loại đột biến gen là điều kiện tiên quyết cho tư vấn di truyền và chẩn đoán trước sinh.

Quy trình sàng lọc người mang gen gây bệnh thalassemia

Quy trình này áp dụng cho sàng lọc thalassemia trong cộng đồng hoặc sàng lọc tại bệnh viện. Quy trình được xây dựng dựa trên hướng dẫn Bộ Y Tế  (2014) và Tổ chức y tế thế giới (W.H.O).

Sàng lọc người mang gen thalassemia rất có ý nghĩa trong dự phòng bệnh thalassemia thông qua tư vấn tiền hôn nhân và chẩn đoán trước sinh. Số liệu từ các chương trình sàng lọc sẽ cung cấp bằng chứng cho việc hoặch định chiến lược phòng bệnh tại cộng đồng. Với các labo xét nghiệm, số liệu sàng lọc giúp xây dựng các bộ mồi đặc trưng cho vùng miền và chủng tộc. Giảm bớt chi phí xét nghiệm và tăng độ chính xác trong chẩn đoán.

Sàng lọc người mang gen là biện pháp quan trọng phát hiện sớm tình trạng bệnh do phần lớn người mang gen không biết tình trạng bệnh của mình. 2 người mang gen vô tình kết hôn với nhau

Với việc thành lập labo Di truyền – Miễn dịch phân tử, bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên đã thực hiện được toàn bộ quy trình từ sàng lọc, tư vấn di truyền cho đến chẩn đoán trước sinh.

MCV: Thể tích trung bình hồng cầu (MCV là một chỉ số trong xét nghiệm trong tổng phân tích tế bào hồng cầu)

·        Dương tính: MCV < 80 femtoliter

·        Âm tính: MCV ≥ 80 femtoliter

DCIP: Test sàng lọc nhanh HbE bằng sử dụng dichlorophenolindophenol (DCIP) để oxi hoá liên kết không bền trong cấu trúc HbE trong hồng cầu. HbE bị kết tủa trong ống nghiệm sẽ quan sát được bằng mắt thường.

·        Dương tính: Nếu HbE bị DCIP làm kết tủa gây vẩn đục ống nghiệm

·        Âm tính: Nếu ống nghiệm trong suốt.

(Xem chi tiết tại đây: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK190583/)

Quy trình chung để phát hiện người mang gen thalassemia theo sơ đồ sau:

 
Quy trình sàng lọc người mang gen trong cộng đồng

 Quy trình chẩn đoán đột biến gen gây bệnh thalassemia cho bệnh nhân

Với các bệnh nhân đã có biểu hiện bệnh rõ ràng trên lâm sàng, xét nghiệm gen sẽ giúp chẩn đoán và phân loại chính xác thể bệnh.

Bên cạnh đó kết quả xét nghiệm gen rất có ích trong việc tư vấn di truyền, kêu gọi các thành viên khác trong gia đình làm xét nghiệm sàng lọc để phát hiện người mang gen bệnh, dự phòng bệnh thalassemia cho thế hệ sau.

Kết quả xét nghiệm gien cũng là cơ sở chẩn đoán trước sinh trường hợp cặp vợ chồng tiếp tục sinh con thứ 2.

Tuỳ vào kết quả điện di huyết sắc tố ở bệnh nhân mà Bác sỹ điều trị có hướng chỉ định loại xét nghiệm đột biến gen thích hợp. (Xem sơ đồ dưới đây)

 

Lưu ý:

Với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, điện di huyết sắc tố không phản ánh chính xác tỷ lệ Hb sinh lý như ở ngừoi trường thành. Do đó cần làm xét nghiệm gen để chẩn đoán xác định hoặc làm lại điện di huyết sắc tố khi trẻ đủ 6 tháng tuổi trở lên.

Chiến lược xác định các đột biến gen

Bước 1: Tập trung sàng lọc các đột biến phổ biến

Sử dụng kỹ thuật multiplex PCR để sàng lọc:

·        6 loại đột  biến phổ  biến trong  α-Thalassemia:  SEA, THAI, α4.2,  α3.7,HbCs,  HbQs.

·        8 loại đột biến phổ biến trong β-Thalassemia: Codon 41/42, codon 17, codon 71/72, IVS I-5, IVSI-1, IVSII-654, codon -28, codon 26 (HbE).

Hoặc kỹ thuật lai phân tử ngược (Globin StripAssay) sàng lọc:

·        20 đột biến trên gen alpha globin của khu vực Đông Nam Á

·        22 đột biến trên gen beta globin của khu vực Đông Nam Á

Bước 2: Nếu người bệnh âm tính với tất cả các đột biến phổ biến sàng lọc ở bước 1 thì cần giải trình tự gen α-globin hoặc β-globin để tìm các đột biến khác.

 

CÁC KỸ THUẬT PCR ỨNG DỤNG TRONG CHẨN ĐOÁN ĐỘT BIẾN GEN GÂY BỆNH THALASSEMIA TẠI KHOA MIỄN DỊCH – DI TRUYỀN PHÂN TỬ, BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG THÁI NGUYÊN

CN. Trần Trung Anh

Kỹ thuật Multiplex PCR

Multiplex-PCR là phản ứng PCR đa mồi sử dụng đồng thời nhiều cặp mồi để khuếch đại nhiều đoạn DNA trong cùng một phản ứng PCR. Phương pháp này được thử nghiệm thành công vào năm 1988 và được áp dụng vào nhiều công trình nghiên cứu

Multiplex ARMS PCR

Kỹ thuật ARMS-PCR (Amplification Refractory Mutation System Polymerase Chain Reaction) được sử dụng trong xác định các đột biến điểm đã biết, lần đầu được mô tả bởi tác giả Newton và cộng sự [48]. Nó được phát triển cho việc chẩn đoán hầu hết các đột biến điểm β-thalassemia phổ biến ở các nhóm chủng tộc chính [49]. Phản ứng này dùng các mồi đặc hiệu có trình tự đầu 3’ bổ sung với alen đột biến và 1 mồi chung ngược chiều với mồi đặc hiệu alen. Sự có mặt của đột biến được thể hiện bằng sản phẩm DNA khuếch đại với các kích thước khác nhau đã biết trước.

Các primer ARMS đặc hiệu đột biến được sử dụng trong thư viện Oxford được dùng để chẩn đoán 25 đột biến gây bệnh β-thalassemia thường gặp trên thế giới cũng như 1 số đột biến điểm gây bệnh α-thalassemia

Hiện nay, ARMS-PCR thường được dùng để sàng lọc 2 đột biến điểm HbCs, HbQs gây α-thalassemia. Còn với β-thalassemia, 9 đột biến thường gặp

Multiplex GAP-PCR

Gap-PCR, hay còn gọi là PCR khoảng cách, là kỹ thuật sử dụng hai mồi theo nguyên tắc bổ sung với mạch xuôi và mạch ngược trong vùng DNA chứa đoạn gen bị mất.

Hầu hết các dạng α-thalassemia thường gặp do đột biến mất đoạn đều có thể được chẩn đoán bằng gap-PCR. Hiện nay người ta đã công bố các trình tự mồi (primers) cho chẩn đoán 3 đột biến mất đoạn gây α0-thalassemia và 2 đột biến mất đoạn gây α+-thalassemia.

Tại bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên, GAP – PCR được thiết kế để phát hiện 6 đột biến thường gặp ở Việt Nam bao gồm: --SEA; --THAI; --FILL; -α3.7 ; -α4.2 và -αCS.

Ưu - nhược điểm của 2 phương pháp này

·  Đây là kỹ thuật cho kết quả nhanh, thường từ 3-5 giờ.

·  Lượng mẫu cần cho xét nghiệm ít

·  Có thể thiết lập mềm dẻo để phát hiện một hoặc nhiều đột biến trong cùng một phản ứng tuỳ theo yêu cầu, mục đích chẩn đoán hoặc khi cần khẳng định lại loại đột biến.

·  Kỹ thuật đơn giản đặc biệt khi sử dụng các kit thương mại. Trang thiết bị sẵn có ở các labo như máy PCR, máy li tâm, máy điện di, máy chụp gel.

·  Kinh phí của xét nghiệm tuỳ vào số lượng đột biến chẩn đoán.

·  Hạn chế của kỹ thuật này là cần phải biết trước được điểm đứt gãy mới thiết kế được cặp mồi tương ứng.

Kỹ thuật Lai phân tử ngược (Reverse hybridization)

 Khái niệm, nguyên lý

Kỹ thuật Reverse dot blotcung cấp một nền tảng cho kỹ thuật lai các đầu dò đặc hiệu cao. Sử dụng các đầu dò đặc hiệu alen (allele specific oligonucleotide - ASO probes) bình thường và đột biến được gắn cố định trên các dải nitrocenllulose (nitrocenllulose  strips) có màng nylon hoặc các hạt Luminex (Luminex beads), thay vì gắn trực tiếp lên mẫu DNA phân tích.

Trong kỹ thuật này, các đầu dò ASO đặc hiệu đột biến (mutant) và bình thường (wild type) được lai với các mẫu DNA nhằm sàng  lọc nhiều đột biến cùng lúc. Sản phẩm DNA sau khuếch đại bằng PCR được đánh dấu bằng cách sử dụng mồi có đầu 5’ sửa đổi với biotin, hoặc đánh dấu trong quá trình khuếch đại DNA (bằng biotin-16-dUTP). Các sản phẩm khuếch đại này có thể được biến tính và lai với các đầu dò cố định. Sau các bước rửa nghiêm ngặt, sản phẩm lai đặc hiệu có thể được phát hiện. Trên các thanh lai (Reverse hybridization Strips), kết quả này có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Còn đối với Luminex beads, kết quả sẽ được đo bằng phần mềm đặc hiệu (Luminex Reader).

Dựa trên kỹ thuật này hãng VienLab chế tạo bộ kit β-Globin StripAssay chẩn đoán 22 đột biến trên gen beta globin và α-Globin StripAssay xác định 21 đột biến trên gen alpha globin.

Ưu - nhược điểm

·  Phương pháp này có kỹ thuật dễ thực hiện. Yêu cầu phương tiện thiết bị xét nghiệm đơn giản (Máy PCR, máy lắc ủ nhiệt, máy ly tâm), do kết quả có thể đọc bằng mắt thường do đó không cần máy điện di hoặc chụp gel.

·  Không sử dụng các chất phóng xạ độc hại trong nhuộm gen.

·  Có thể cùng lúc phát hiện được nhiều đột biến nhờ phản ứng đơn giản (22 cho beta và 21 cho alpha) đồng thời có thể thực hiện cả đột biến trên gen alppha và beta cùng 1 lần chạy.

·  Lượng mẫu cần cho xét nghiệm ít (khoảng 10 ÷ 50ng DNA cho một phản ứng PCR duy nhất).

·  Độ chính xác và bao phủ cao đặc biệt dùng cho sàng lọc khi chưa có điện di huyết sắc tố hoặc trong chẩn đoán trước sinhsinh.

·  Phân tích kết quả đơn giản, quan sát trực tiếp bằng mắt thường các chỉ thị mầu từ các thanh phản ứng (Teststrip).

·  Tuy vậy, chi phí xét nghiệm này rất đắt và số lượng mẫu mỗi lần chạy là hạn chế.

 

XÉT NGHIỆM DỊ ỨNG – MIỄN DỊCH

TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Hà

 Với cuộc sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa, con người đã sản xuất và phát minh ra nhiều trang thiết bị, vật tư hóa chất phục vụ cho cuộc sống của con người và ngược lại, một số hóa chất hay các phế phẩm do quá trình công nghiệp phân hủy và thải ra đã gây không ít tác hại cho con người, một trong những vấn đề đó là bệnh dị ứng với các dị nguyên đa dạng.

Các dị nguyên đó có thể là các loại lông vũ, hóa chất, hóa mỹ phẩm, thức ăn, rau quả, thịt, protein động vật lẫn thực vật, thuốc,…Một số tác nhân khác cũng gây nên các bệnh dị ứng khác như nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn, đơn bào, ….Song, thực tế lâm sàng cho biết các bệnh nhân phần lớn đến khám tại các cơ sở y tế biểu hiện với các triệu chứng rất đa dạng và biểu hiện có thể mày đay mạn tính hoặc cấp tính, có thể biểu hiện dị ứng nhẹ đến nghiêm trọng, thậm chí có thể gây chết người.

Chính vì vậy việc phát hiện, chẩn đoán được nguyên nhân gây dị ứng là một vấn đề rất quan trọng và cần thiết trong phòng bệnh và điều trị nhằm nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.

Để chẩn đoán bệnh dị ứng, người ta phải thực hiện các thử nghiệm trên da để xem mức độ phản ứng với các chất gây dị ứng hoặc phân tích máu kiểm sự hiện diện và nồng độ của kháng thể IgE.

1.    ĐỊNH LƯỢNG IgE ĐẶC HIỆU


 

2.   XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN CÁC BỆNH DỊ ỨNG, DỊ ỨNG THUỐC,MỸ PHẨM

 XÉT NGHIỆM ĐỊNH LƯỢNG KHÁNG THỂ TỰ MIỄN THEO PHƯƠNG PHÁP ELISA

  

* Mọi thông tin về xét nghiệm miễn dịch – dị ứng xin liên hệ TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Hà SĐT: 0918 026 775 / 02083 858 967.

                                                                                           KHOA MIỄN DỊCH – DI TRUYỀN PHÂN TỬ

                                                                                                               Q. TRƯỞNG KHOA

 

                                                                                                            TS.BS Bùi Thị Thu Hương

 

Danh mục kỹ thuật SHPT