Sau 2 giờ phối hợp tích cực, kíp bác sĩ khoa Tai Mũi Họng và Gây mê hồi sức, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã phẫu thuật thành công cho người bệnh Đ.T.L., 49 tuổi, ở Thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên bị dị vật thực quản ngày thứ 6, kèm theo biến chứng áp xe thực quản- áp xe cạnh cổ. 

Thông tin từ gia đình người bệnh cho biết, anh L. có tiền sử co giật từ năm 9 tuổi, sau đó chậm phát triển trí tuệ nên giao tiếp khó. 5 ngày trước khi vào viện, gia đình có ăn cơm với thịt gà. Sau ăn, anh L xuất hiện nuốt vướng, không nuốt đau. Do chủ quan nên gia đình không đưa anh L đi khám. Tuy nhiên, sau đó 3 ngày, nhận thấy anh L tình trạng nuốt đau tăng lên, ăn uống kém, kèm theo sưng đỏ vùng cổ trái, hạn chế vận động cổ, gia đình đã đưa anh đến Bệnh viện C Thái Nguyên khám và tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên điều trị tiếp.

Tại khoa Tai Mũi Họng, sau khi tiếp nhận người bệnh L, ThS.BSCKII. Nguyễn Thị Ngọc Anh - Phó trưởng khoa nhận định: người bệnh có tình trạng sưng đau, tấy đỏ vùng cổ trái, khi há miệng và nuốt rất đau, họng đọng nhiều dịch, không quan sát được hạ họng, dấu hiệu lọc cọc thanh quản cột sống mất (dấu hiệu trượt sụn khí quản, thanh quản trên cột sống). Kết quả phim chụp cắt lớp vi tính, người bệnh được chẩn đoán dị vật thực quản cổ, biến chứng áp xe thành thực quản, áp xe cạnh cổ/ Viêm phổi.

Phim chụp CLVT có hình ảnh dị vật ngang mức C6-C7, áp xe thành thực quản, áp xe cạnh cổ

Nhận định đây là ca bệnh khó với tình trạng bệnh nặng, người bệnh thể trạng gầy, có bệnh lý kèm theo, khoa Tai mũi họng đã hội chẩn toàn khoa, hội chẩn liên chuyên khoa Gây mê hồi sức, Tim mạch lồng ngực, Ngoại tiêu hóa Gan mật, thống nhất phương pháp phẫu thuật và các biến chứng có thể xảy ra, kèm theo cách xử lý.

Sau gần 2 giờ đồng hồ, kíp phẫu thuật đã tiến hành phẫu thuật nội soi thực quản ống cứng gắp dị vật và mở cạnh cổ dẫn lưu ổ áp xe. Người bệnh đã được lấy bỏ dị vật, xác định là đoạn xương gà dài khoàng 3 cm.

Kíp phẫu thuật khoa Tai Mũi Họng

Theo BSCKII. Vũ Quang Huy - Trưởng khoa Tai mũi họng cho biết: Dị vật đường ăn là một cấp cứu thường gặp tại khoa, đều được chẩn đoán và điều trị với tỷ lệ thành công cao. Tuy nhiên, đối với người bệnh Đ.T.L là một ca bệnh khó do bị mắc dị vật ngày thứ 6, đã xuất hiện biến chứng áp xe thực quản, áp xe cạnh cổ, khi nội soi ống cứng quan sát thấy dị vật mắc ngang cắm xuyên qua thành thực quản. Nguy cơ viêm trung thất cấp, chảy máu do thủng thực quản có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Cùng với đó, ổ áp xe khá lớn là thách thức không nhỏ với các phẫu thuật viên. Vì vậy, ca phẫu thuật đòi hỏi phải được thực hiện bởi các phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm, sự phối hợp nhịp nhàng của khoa Gây mê hồi sức nhằm đảm bảo công tác hồi sức trước, trong và sau phẫu thuật.

Hiện tại, sau mổ một ngày, người bệnh L tỉnh táo, ăn qua sonde dạ dày, không có biến chứng. Qua ca bệnh, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi bị hoặc nghi hóc dị vật đường ăn, cần đến các tuyến chuyên khoa để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm./.