Trung tâm Huyết học - Truyền máu Thái Nguyên được thành lập ngày 23 tháng 10 năm 2008, trên cơ sở khoa Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, theo quyết định số 2274/QĐ-BYT ngày 24/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

  Chuyên khoa Huyết học - Truyền máu (HH-TM) có đặc điểm vừa là chuyên khoa lâm sàng trực tiếp điều trị bệnh nhân bị bệnh máu và cơ quan tạo máu, vừa là chuyên khoa cận lâm sàng phục vụ cho chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ở tất cả các chuyên khoa khác (cung cấp máu và chế phẩm máu; xét nghiệm máu, nước tiểu và các loại dịch). Do vậy, chuyên ngành HH-TM cần có sự đầu tư đặc thù về đào tạo, trang bị kỹ thuật cũng như quản lý chuyên môn theo hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến điạ phương.

        Máu có vai trò quan trọng đặc biệt đối với sự sống và sức khỏe con người. Máu và các chế phẩm máu là một loại thuốc đặc biệt chưa có gì thay thế được. Nhu cầu máu cho cấp cứu điều trị rất lớn và ngày càng tăng do chấn thương gây mất máu, đặc biệt là tai nạn giao thông, phụ nữ băng huyết sau đẻ, chửa ngoài tử cung vỡ, bệnh nhân chảy máu dạ dày, bệnh nhân thiếu máu do ung thư, sốt rét; nhu cầu máu cần cho phát triển kỹ thuật cao như mổ tim, ghép thận, ghép tủy... và dự phòng cho các thảm họa, an ninh, quốc phòng...

        Máu cho điều trị đang là vấn đề đặc biệt quan tâm ở tất cả các bệnh viện trên toàn quốc nói chung và ở Thái Nguyên nói riêng. Theo tính toán của Tổ chức y tế thế giới ( WHO ) hiện nay Thái Nguyên với dân số xấp xỉ 1.300.000 người. Với mức tăng dân số 1,7% hiện nay chẳng bao lâu dân số Thái Nguyên đạt 2 triệu người, Thái Nguyên cần khoảng 2% dân số cho máu mới đáp ứng được đủ nhu cầu máu ( khoảng 10.000 lít máu toàn phần, 2.384 lít huyết tương cho mỗi năm). Ngoài ra các chế phẩm khác như khối tiểu cầu, tủa lạnh các yếu tố đông máu...hiện nay cũng đang rất thiếu. Trong khi đó Thái Nguyên mỗi năm chỉ thu gom được 30% số lượng máu theo yêu cầu, các chế phẩm máu đã sản xuất được 90%, tuy nhiên nhìn chung vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị.

MỤC TIÊU HOẠT ĐỘNG

1. Tổ chức thực hiện chương trình an toàn truyền máu quốc gia theo Quyết định 198/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ ; theo Chương trình an toàn truyền máu của Viện HH-TM Trung ương (2003).

2. Đáp ứng nhu cầu về điều trị bệnh nhân bệnh máu và cơ quan tạo máu của bệnh viện bằng các phương pháp tiến bộ phù hợp với điều kiện kỹ thuật và kinh tế trong Tỉnh và khu vực.

3. Tổ chức thống nhất công tác xét nghiệm huyết học, phù hợp và đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu chẩn đoán, điều trị.

4. Đáp ứng nhu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật, chỉ đạo tuyến, hợp tác quốc tế.

TỔ CHỨC NHÂN SỰ

Hiện tại Trung tâm đang có 29 cán bộ, bao gồm cả cán bộ của Trường đại học Y – Dược Thái Nguyên và Bệnh viện trung ương Thái Nguyên, gồm có:

- 01 Tiến sỹ.

- 03 Thạc sỹ.

- 01 Bác sỹ chuyên khoa I

- 03 Cử nhân đại học

- 01 Điều dưỡng

- 18 Kỹ thuật viên

- 02 Công nhân ICT

- 02 Công nhân ICT

 

TỔ CHỨC NHÂN SỰ

Hiện tại Trung tâm đang có 30 cán bộ, bao gồm cả cán bộ của Trường đại học Y – Dược Thái Nguyên và Bệnh viện đa khoa trung ương Thái Nguyên, gồm có:

- 01 Phó giáo sư – tiến sỹ.

- 04 Thạc sỹ.

- 02 Bác sỹ chuyên khoa định hướng

- 01 Bác sỹ đa khoa

- 04 điều dưỡng

- 16 Kỹ thuật viên

- 02 Công nhân (hộ lý)

BAN LÃNH ĐẠO TRUNG TÂM

ĐÀO TẠO NHÂN VIÊN

* Đào tạo trong nước

+ Các cán bộ của Trung tâm thường xuyên được tham gia đào tạo mới và đào tạo lại về chuyên khoa Huyết học - Truyền máu, tập huấn, cập nhật các kỹ thuật mới tại các Bệnh viện đầu nghành như Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương; Bệnh viện Bạch Mai…

+ Cử các cán bộ đi học chuyên khoa định hướng, chuyên khoa I và thạc sỹ, cử nhân tại Trường Đại học Y Hà Nội và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

+ Hầu hết các cán bộ đều được học chuyên khoa định hướng về Huyết học - Truyền máu

* Đào tạo nước ngoài

+ Tham gia chương trình đào tạo của dự án Trung tâm truyền máu khu vực, do Viện Huyết học - Truyền máu trung ương làm chủ dự án.

+ 01 cán bộ lãnh đạo đi học tập về tổ chức ngân hàng máu tại Thái Lan

+ 01 cán bộ lãnh đạo đi học tập về tổ chức ngân hàng máu tại Singapore

+ 02 cán bộ đi học khoá đào tạo về bác sỹ, kỹ thuật viên ngân hàng máu tại Singapore (01 bác sỹ và 01 kỹ thuật viên)

TRANG THIẾT BỊ

Các trang thiết bị của Trung tâm hiện tại đã đáp ứng được hầu hết các loại xét nghiệm Huyết học phục vụ cho chẩn đoán, Trung tâm đã được trang bị các thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao tương đương với các đơn vị đầu ngành Huyết học- Truyền máu.

+ Máy tế bào: Hiện tại trung tâm có 5 máy đếm tế bào laser tự động. Các máy được thực hiện nội kiểm hàng ngày và tham gia ngoại kiểm tại Trung tâm kiểm chuẩn Trường Đại học Y Hà Nội, kết quả đánh giá đều đạt tốt.

+ Máy đông máu: hiện tại trung tâm có 03 máy đông máu tự động, đáp ứng cơ bản cho lâm sàng các xét nghiệm thường quy và các xét nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực đông máu.

+ Hệ thống máy ly tâm lạnh, dây chuyền lạnh phục vụ cho sản xuất, lưu trữ và bảo quản các chế phẩm máu.  Thực hiện sàng lọc các tác nhân virus lây truyền qua đường truyền máu như  HIV, HBV, HCV, Giang mai bằng kỹ thuật hóa phát quang, NAT, sàng lọc kháng thể bất thường  nhằm đảm bảo an toàn truyền máu. Tỷ lệ sản xuất các chế phẩm máu trên 90%  đảm bảo cung cấp máu và chế phẩm máu với chất lượng cao phục vụ điều trị đạt hiệu quả.

Tham gia chương trình ngoại kiểm HIV chương trình của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương được đánh giá tốt.

+ Máy đếm tế bào CD4 – CD4% : theo dõi tiến triển của bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, đã tham gia chương trình ngoại kiểm của Australia và được đánh giá tốt.

+ Máy gạn tiểu cầu từ người hiến các thành phần máu Trima; Máy Cobe-Spectra với chức năng gạn tiểu cầu, bạch cầu, trao đổi huyết tương điều trị cho Bệnh nhân: có thể tách riêng từng thành phần máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương. Giúp cho việc thu gom các thành phần máu từ người cho máu, điều trị cho các bệnh nhân có số lượng bạch cầu cao (gạn tiểu cầu trong bệnh lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt tránh biến chứng tắc mạch), số lượng tiểu cầu cao (gạn tiểu cầu trong bệnh tăng tiểu cầu tiên phát, giúp cho điều trị và tránh biến chứng tắc mạch), trao đổi huyết tương cho các bệnh nhân có nhiễm độc, suy đa tạng, viêm gan bilirubil máu tăng cao, rắn cắn…

+ Máy định nhóm máu, chéo máu tự động  Auto INOVA- Ortho ứng dụng kỹ thuật gelcard có độ nhạy, độ đặc hiệu cao, chứng nhận ngoại kiểm hàng tốt.

+ Máy đếm tế bào dòng chảy, định dạng marker miễn dịch FC500 Flow Cytometry – Beckman Coulter - Đức: máy này cho phép làm được nhiều xét nghiệm định dạng marker miễn dịch CD (Cluster Differentation), ứng dụng trong nghiên cứu tế bào gốc (CD34), nghiên cứu tiến triển của HIV(CD3, CD4, CD8), chẩn đoán thể của các bệnh máu ác tính lơ xê mi cấp theo phân loại của tổ chức Y tế thế giới WHO 2001 và nhiều nghiên cứu về tế bào khác.

+ Hệ thống máy miễn dịch tự động hóa phát quang: sàng lọc các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu như HIV, HBV, HCV, giang mai với độ chính xác cao.

+ Máy điện di huyết sắc tố Capilary: Chức năng xác định các thành phần huyết sắc tố, giúp chẩn đoán các bệnh lý như Thallassemia, bệnh huyết sắc tố được chính xác hơn

+ Chọc hút tủy làm tủy đồ, sinh thiết tủy xương chẩn đoán các bệnh cơ quan tạo máu, ung thư di căn tủy…   

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM

Tập thể cán bộ viên chức Trung tâm Huyết học – Truyền máu

 

 

 

 

 

CÁC THÀNH TÍCH ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC

1. Thi đua khen thưởng

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế tặng tập thể cán bộ Trung tâm Huyết học - Truyền máu "Đã có thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch y tế”, liên tục trong 10 năm từ 2008- 2017.

- Bằng khen của Ban chấp hành công đoàn y tế Việt Nam tặng tổ công đoàn Trung tâm Huyết học - Truyền máu vì "Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh năm 2008".

- Bằng khen của BCH công đoàn Y tế Việt Nam tặng tập thể nữ của Trung tâm đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Giỏi việc nước - đảm việc nhà" ba năm 2006-2008 và 5 năm 2011-2015

- Bằng khen của Công đoàn Y tế Việt Nam tặng tổ Công đoàn năm 2009.

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Tập thể Trung tâm Huyết  học-Truyền máu vì “đã có thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch Y tế năm 2009”.

- Bằng khen của Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam tặng Tập thể Trung tâm Huyết học - Truyền máu vì “Đã có thành tích xuất sắc trong chiến dịch những giọt máu hồng hè năm 2009”

- Bằng khen của Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam tặng Tập thể Trung tâm Huyết học - Truyền máu vì “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác hiến máu nhân đạo và vận động hiến máu tình nguyện từ năm 2014 – 2017.  

- Bằng khen của Công đoàn Y tế Việt Nam tặng Tập thể Trung tâm Huyết  học-Truyền máu vì “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua LĐ giỏi và xây dựng tổ chức CĐVM  năm 2009”.

- Bằng khen của Uỷ ban nhân dân Tỉnh tặng Tập thể Trung tâm Huyết  học-Truyền máu vì “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2006-2010”.

- Năm 2010 Trung tâm có 01 cá nhân được Thủ tướng chính phủ tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”.

- Năm 2017 Trung tâm có 01 cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ

2. Trong công tác khám chữa bệnh và điều trị

- Thu gom máu:

+ Năm 2006 tiếp nhận được  2.355 đơn vị (tình nguyện đạt 28%.)

+ Năm 2007 tiếp nhận được  2.227 đơn vị (tình nguyện đạt 46%.)

+ Năm 2008 tiếp nhận được  3.054 đơn vị (tình nguyện đạt 89%.)

+ Năm 2009 tiếp nhận được 5.200 đơn vị máu (tình nguyện đạt 90%).

+ Năm 2010 tiếp nhận được 6.000 đơn vị máu (tình nguyện đạt 90%).

+ Năm 2016 tiếp nhận được 10.054 đơn vị máu (tình nguyện trên 90%).

+ Năm 2017 tiếp nhận được 13.051 đơn vị máu (tình nguyện đạt 98%)

- Thực hiện các xét nghiệm sàng lọc đơn vị máu trên hệ thống hóa phát quang, NAT cho 100% các đơn vị máu, thực hiện đầy đủ quy chế truyền máu do Bộ Y tế quy định, đảm bảo an toàn truyền máu.

- 100% các đơn vị máu tiếp nhận được sản xuất thành các chế phẩm máu như Khối hồng cầu, Huyết tương tươi đông lạnh, khối tiểu cầu, tủa lạnh yếu tố VIII, thực hiện truyền máu từng phần nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, đồng thời tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân và Bệnh viện trong quá trình điều trị.

- Phát triển các kỹ thuật mới như lọc bạch cầu túi máu, chiếu xạ túi máu phục vụ công tác ghép thận tại Bệnh viện. Thực hiện triển khai nhiều kỹ thuật mới giúp cho công tác chẩn đoán của các bác sỹ lâm sàng tốt hơn.

- Phối hợp cùng với các khoa lâm sàng điều trị các bệnh về máu:

+ Gạn tiểu cầu bằng máy tách các thành phần máu tự động trong tăng tiểu cầu tiên phát.

+ Gạn tách tiểu cầu từ người hiến máu trên máy tự động để điều trị cho các bệnh nhân giảm tiểu cầu.

+ Trao đổi huyết tương cho bệnh nhân đa u tuỷ xương, bệnh nhân nhiễm độc suy đa phủ tạng.

+ Gạn bạch cầu điều trị cho các bệnh nhân bệnh máu có số lượng bạch cầu tăng quá cao.

+ Rút máu và điều trị hóa chất cho bệnh nhân đa hồng cầu.

- Triển khai kỹ thuật thay máu trẻ sơ sinh (Phối hợp với Trung tâm Nhi khoa)

* Nghiên cứu khoa học

- Hàng năm Trung tâm đều có các đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Đã có nhiều đề tài được báo cáo trên các tạp chí uy tín, báo cáo trong các hội nghị quốc gia về lĩnh vực Huyết học và Truyền máu.

- Tham gia các đề tài cấp bộ, cấp cơ sở, các Dự án cùng với Trường đại học Y – Dược Thái Nguyên. Hàng năm đăng ký và hoàn thiện ít nhất 2 đề tài cấp cơ sở.

- Các đề tài đã được thực hiện đạt kết quả xuất sắc:

+ Nghiên cứu một số đặc điểm lâm sàng và xét nghiệm ở trẻ em thiếu máu thiếu sắt dưới 5 tuổi điều trị tại Bệnh viện đa khoa trung ương Thái Nguyên.

+ Khảo sát tình hình bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại khoa Sản - Bệnh viện đa khoa trung ương Thái Nguyên trong 3 năm (2003-6/2005).

+  Nghiên cứu tần suất mang gen bệnh β-Thalassemia ở dân tộc Nùng và Mông tại xã Tân Long-Đồng Hỷ-Thái Nguyên (năm 2002) .

+ Nghiên cứu sự biến đổi một số chỉ số huyết học ở người cho máu tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên (năm 2002) .

+ Tình hình sử dụng máu và chế phẩm máu tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên trong 5 năm (2002- 2006)

+ Khảo sát một số bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu trên người hiến máu tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên trong 5 năm (2003- 2007)

+ Nghiên cứu tỷ lệ mang gen β-Thalassemia và mối liên quan với một số chỉ số hồng cầu ngoại vi ở trẻ em dân tộc Tày và Dao huyện Định Hoá-Thái Nguyên (năm 2008 - đề tài cấp Bộ) .

+ Đánh giá một số xét nghiệm đông cầm máu trên bệnh nhân xơ gan tại Bệnh viện đa khoa trung ương Thái Nguyên (4/ 2009 tại hội nghị Đông máu toàn quốc) .

+ Năm 2009 thực hiện 03 đề tài cấp cơ sở đã được nghiệm thu

+ Năm 2010 thực hiện 04 đề tầi cấp cơ sở đã được nghiệm thu

+ Năm 2011 thực hiện 05 đề tài cấp cơ sở, 01 đề tài cấp Bộ đang triển khai

           

* Đào tạo và chỉ đạo tuyến

- Tham gia đào tạo các đối tượng học sinh, sinh viên, sau đại học cùng với Trường đại học Y – Dược Thái Nguyên.

+ Hàng năm Trung tâm Huyết học - Truyền máu tiếp nhận và đào tạo 1 khoá Kỹ thuật viên xét nghiệm, trung bình mỗi khoá 100 học viên.

+ Ngoài ra trung tâm còn tham gia đào tạo, cấp chứng chỉ Huyết học - truyền máu của Bệnh viện cho các học viên học học việc tại Trung tâm.

+ Đề tài cấp bộ dưới sự hướng dẫn của Bộ môn Nhi và sự tham gia của Trung tâm đã hướng dẫn thành công cho 1 thạc sỹ và 1 bác sỹ đa khoa.

+ Đề tài đánh giá xét nghiệm đông máu trên bệnh nhân xơ gan dưới sự hướng dẫn của Bộ môn nội và Trung tâm Huyết học - Truyền máu đã hướng dẫn thành công 1 thạc sỹ.

- Tham gia đào tạo và chỉ đạo tuyến về Huyết học và Truyền máu cho các cơ sở y tế trong Tỉnh.

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

- Phối hợp với Ban chỉ đạo hiến máu nhân đạo Tỉnh Thái Nguyên vận động và thu gom máu với số lượng lớn hơn, đảm bảo cung cấp máu và chế phẩm máu đầy đủ cho các bệnh viện trong Tỉnh và các tỉnh lân cận.

- Phát triển thêm các kỹ thuật hiện đại phục vụ cho chuyên ngành như:

          + Triển khai thêm các xét nghiệm chẩn đoán rối loạn đông cầm máu: ROTEM, định lượng các yếu tố đông máu, phát hiện kháng đông nội sinh, ngoại sinh lưu hành, Đo độ ngưng tập tiểu cầu…

          + Sàng lọc, định danh kháng thể bất thường cho các bệnh nhân được truyền máu nhiều lần.

          + Thành lập ngân hàng người hiến máu dự bị nhằm xây dựng panel hồng cầu định danh kháng thể bất thường, thực hiện chéo hòa hợp phenotype cho bệnh nhân thalassemia truyền máu nhiều lần…

          + Định dạng marker miễn dịch: CD3, CD4, CD8, CD34 ...

- Tiếp tục triển khai các nghiên cứu ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị các bệnh lý huyết học.  Tiến tới nghiên cứu tế bào gốc, ghép tế bào gốc tạo máu cho bệnh nhân bệnh máu.

- Hiện tại trang thiết bị, cơ sở vật chất của TT còn hạn chế, nhân sự còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

- Năm 2016, Trung tâm đã được chuyển lên vị trí mới theo quy hoạch tổng thể của Bệnh viện (Tầng 7, tòa nhà 15 tầng, diện tích 1500m2) thuận lợi hơn cho công tác chuyên môn theo định hướng phát triển. Hiện phân chia hoạt động của Trung tâm theo các Bộ phận:

          + Bộ phận truyền máu: phòng tuyên truyền vận động; phòng tiếp nhận máu, phòng thu gom máu, phòng huyết thanh học và phát máu, phòng sản xuất.

          + Bộ phận huyết học: Phòng tế bào, phòng đông máu, phòng miễn dịch.

            + Bộ phận miễn dịch: Phòng xét nghiệm miễn dịch và sàng lọc máu

- Tiến hành các nghiên cứu khoa học và hoàn thành các đề tài cấp cơ sở như:

          + Nghiên cứu sàng lọc kháng thể bất thường cho bệnh nhân thalassemia được truyền máu nhiều lần tại BVTƯTN.

          + Xây dựng panel hồng cầu dùng cho sàng lọc và định danh kháng thể bất thường.

          + Nghiên cứu tần suất mang gen thalassemia của trẻ em các dân tộc trong tỉnh Thái Nguyên và một số tỉnh miền núi phía Bắc khác như Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn.

          + Nghiên cứu hiệu quả điều trị các bệnh tăng sinh tế bào máu ác tính bằng gạn tách tế bào phối hợp với điều trị hoá chất.

          + Nghiên cứu chẩn đoán lơ xê mi và các bệnh lý tế bào khác dựa vào dấu ấn miễn dịch (CD).

+ Nghiên cứu hiệu quả truyền khối tiểu cầu gạn tách trên bệnh nhận giảm tiểu cầu tại BVTW Thái Nguyên 2017

- Thành lập bộ môn Huyết học – Truyền máu của trường Đại học Y – Dược Thái Nguyên, phụ trách đào tạo cho học sinh, sinh viên  đại học và sau đại học.