KHOA MIỄN DỊCH - DI TRUYỀN PHÂN TỬ
Tập thể cán bộ viên chức khoa Miễn dịch – Di truyền phân tử
1. Tên: Khoa Miễn dịch – Di truyền phân tử
2. Điện thoại: 02083 858 967
Email: shpt.bvtutn@gmail.com
3. Địa điểm: Tầng 8, nhà KT, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, số 479, đường Lương Ngọc Quyến, TP Thái Nguyên, Thái Nguyên.
4. Lãnh đạo hiện nay:
TS.BS. Bùi Thị Thu Hương
TRƯỞNG KHOA
Ths. Trần Trung Anh
KTV.TRƯỞNG KHOA
5. Lãnh đạo qua các thời kỳ
5.1. Trưởng khoa
- TS.BS. Bùi Thị Thu Hương (Từ 2017 đến nay)
5.2. KTV trưởng khoa
- Ths. Trần Trung Anh (Từ 2017 đến nay)
6. Cơ cấu tổ chức
6.1. Sơ lược quá trình phát triển của đơn vị, tổ chức
Tập thể cán bộ, viên chức khoa
Khoa Miễn dịch - Di truyền phân tử được thành lập theo quyết định số 56/QĐ-BV, ngày 20/01/2016 của Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và ngày 05/6/2017 khoa chính thức đi vào hoạt động, đã từng bước triển khai những xét nghiệm cơ bản phục vụ người bệnh. Ứng dụng sinh học phân tử trong y học là phương pháp chẩn đoán tiên tiến, hỗ trợ điều trị trúng đích, đặc biệt là trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm trùng, ung thư, bệnh di truyền và chẩn đoán trước sinh. Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử - di truyền có ưu điểm nổi bật là áp dụng quy trình kín, tự động hoàn toàn, loại bỏ nhiễm chéo, cho kết quả nhanh, an toàn trong quá trình xử lý mẫu, đa dạng về bộ KIT (ung thư tạng đặc, tạng rỗng, kháng thuốc, bệnh nhiễm trùng …).
Trong khi đó, tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, số lượng người bệnh điều trị các nhóm bệnh này không ngừng gia tăng. Đặc biệt hiện nay, Bệnh viện đang triển khai các kỹ thuật cao mới như phẫu thuật tim, can thiệp tim mạch, ghép tạng (thận)….Phòng xét nghiệm sinh học phân tử - di truyền của Bệnh viện đi vào hoạt động sẽ góp phần chẩn đoán sớm tại chỗ (người bệnh không phải đi Hà Nội), theo dõi điều trị bệnh hiệu quả rút ngắn thời gian điều trị và chi phí cho người bệnh.
Là bệnh viện thực hành chính của Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên, việc Khoa xét nghiệm Miễn dịch – Di truyền phân tử của Bệnh viện đi vào hoạt động còn có ý nghĩa rất lớn trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, góp phần vào công cuộc xây dựng và nâng cấp để trở thành bệnh viện đạt các tiêu chuẩn của bệnh viện hạng đặc biệt - tuyến cuối của quốc gia.
6.2. Tình hình nhân lực hiện nay
Tổng số cán bộ viên chức hiện nay là 14, trong đó có:
- Tiến sỹ CKII: 05
- Thạc sỹ/ Bác sỹ CKI: 05
- Cử nhân công nghệ sinh học: 02
- Cử nhân xét nghiệm: 02
7. Hoạt động chuyên môn
- Xét nghiệm phục vụ người bệnh trong lĩnh vực sinh học phân tử, đáp ứng kịp thời các nhu cầu về số lượng và chất lượng xét nghiệm ngày càng tăng của Bệnh viện. Thực hiện các xét nghiệm kỹ thuật cao phục vụ người bệnh. Phát triển khoa học kỹ thuật mới theo danh mục kỹ thuật phân tuyến của Bệnh viện Trung ương. Kịp thời cập nhật các xét nghiệm mới, kỹ thuật mới, phương pháp mới đảm bảo chất lượng, tính cập nhật của dịch vụ xét nghiệm.
- Chẩn đoán các mầm bệnh sinh học ở mức độ gen: Các mầm bệnh như lao, não mô cầu, H.pylori, các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn huyết, các vi rút viêm gan (B,C), HPV, CMV, EBV, VZV, BK/JK vi rút, Dengue, vi rút cúm H1N1,..
- Tiên lượng, theo dõi kết quả điều trị một số bệnh lý: Định lượng nồng độ vi rút viêm gan B, C, HIV. Xác định đột biến gen kháng thuốc của vi khuẩn lao, H.pylori, vi rút viêm gan B, HIV. Theo dõi điều trị các bệnh ung thư máu, bạch cầu tủy cấp, mạn.
- Chẩn đoán các bệnh ung thư ở mức độ gen như: BCR/ABL, Jack 2, GSTP 1, P53. Xác định các đột biến gen liên quan đến ung thư và phục vụ cho điều trị đích như: Kras, Braf, EGFR…
- Tham gia chẩn đoán chuẩn bị cho ghép tạng (định type HLA, định danh kháng thể anti HLA, phản ứng đọ chéo cross match, CMV, EBV,…) và theo dõi sau ghép tạng.
- Tham gia chẩn đoán đột biến gen gây các bệnh lý di truyền: thalassemia, hemophilia, SMA, Duchen, Bệnh tạo xương bất toàn….
- Tham gia sàng lọc và chẩn đoán trước sinh các bệnh lý chuyển hóa, di truyền: Hội chứng Down, hội chứng Edwards, hội chứng Patau, nhiễm sắc thể Philadelphia, hội chứng Turner, hội chứng Klinefelter, thiếu enzyme G6PD, tăng sản thượng thận bẩm sinh, suy giáp bẩm sinh….
- Hướng tới y học cá thể hóa và điều trị bệnh bằng liệu pháp gen trong tương lai.
- Thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán các bệnh dị ứng, miễn dịch.
- Tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác Quốc tế và công tác chỉ đạo tuyến.
- Tổ chức quản lý chuyên môn và quản lý hành chính các hoạt động của phòng xét nghiệm theo tiêu chí của Bộ Y tế, từng bước hoàn thiện bộ qui trình chuẩn (SOP) theo tiêu chuẩn chất lượng. Thực hiện nội kiểm tra chất lượng hàng ngày và tham gia các chương trình ngoại kiểm quốc gia.
- Năm 2023, khoa Miễn dịch – Di truyền phân tử đã được Văn phòng công nhận chất lượng cấp chứng nhận phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO:15189 với mã số: VILAS MED: 171
- Nghiên cứu khoa học và đào tạo: Khoa thực hiện đào tạo nội bộ, đánh giá nội bộ theo hướng dẫn về tiêu chuẩn quản lý chất lượng.
- Hướng dẫn các học viên đại học, sau đại học và nghiên cứu sinh của các trường Đại học Y dược Thái Nguyên, Đại học Thái Nguyên ….
- Là cơ sở thực hành, thực tế tốt nghiệp cho các trường Đại học, cao đẳng chuyên ngành Y khoa trong và ngoài tỉnh.
- Thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng phục vụ hoạt động chuyên môn. Tham gia cộng sự các đề tài cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp bộ. Tham gia hoạt động sáng tạo công nghệ hàng năm.
8. Hoạt động khác
- Bên cạnh hoạt động chuyên môn, các hoạt động văn hóa, thể thao cũng như đời sống của các cán bộ viên chức cũng luôn được quan tâm. Các dịp lễ quan trọng như: Ngày thầy thuốc Việt Nam, ngày Nhà Giáo Việt Nam, ngày Gia đình Việt Nam, ngày quốc tế Phụ nữ, ngày Phụ nữ Việt Nam, ngày Kỹ thuật Y quốc tế… đều được tổ chức chu đáo, gần gũi.
- Kể từ khi thành lập đơn vị đến nay, Lãnh đạo khoa đã cử cán bộ, viên chức tham gia nhiều các phong trào văn hóa, xã hội:
+ Khám sức khỏe tình nguyện, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân trong và ngoài tỉnh.
+Tham gia và đạt nhiều thành tích cao trong các các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao từ cấp cơ sở, tỉnh và trung ương.
- Một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của khoa đó là thời điểm khoa tham gia vào công tác phòng chống đại dịch COVID - 19. Trong suốt quá trình đó, nhờ sự quyết tâm của tập thể, khoa Miễn dịch – Di truyền phân tử đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ xét nghiệm, chẩn đoán COVID - 19 cho các cơ quan, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cùng các tỉnh lân cận như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang… và được chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tặng bằng khen. Ngoài hỗ trợ tại đơn vị, Khoa cũng đã cử 02 cán bộ tham gia chống dịch tại các tỉnh miền Nam.
9. Thành tích nổi bật
- Kể từ khi thành lập năm 2016 đến nay, khoa Miễn dịch – Di truyền phân tử đã liên tiếp được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ các năm 2017, 2018, 2019, 2020, 2021, 2022, 2023.
- Năm 2020 được Bộ trưởng Bộ Y tến tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích xuất sắc, thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác Y tế từ năm 2019 đến năm 2020.
- Năm 2022 được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tặng Bằng khen vì đã có thành tích Xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID – 19.
- Năm 2022 được Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tặng Giấy khen vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác Y tế năm 2021.
10. Phương hướng, định hướng phát triển
- Xây dựng các giải pháp tăng cường thu hút người bệnh: Tăng cường chất lượng dịch vụ, cung cấp kết quả chính xác, giảm thời gian trả kết quả, kết quả gửi trả thuận tiện, chuyên nghiệp.
- Xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng điều trị: Phối hợp chặt chẽ với các bác sỹ lâm sàng, phát triển kỹ thuật xét nghiệm mới đáp ứng chẩn đoán và điều trị.
- Phát triển kỹ thuật mới để theo kịp xu thế phát triển trong nước và quốc tế.