Khám, chữa bệnh từ xa là một những nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế. Hoạt động này đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đảm bảo sự công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu được khám bệnh, chữa bệnh ngày càng cao của người dân, giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến Trung ương. Theo đó thời gian qua, thông qua Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” (Đề án), Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã hỗ trợ đào tạo nhiều cơ sở y tế tuyến dưới mang lại những kết quả rất tích cực trong công tác khám và điều trị cho người bệnh.
PGS.TS Nguyễn Công Hoàng - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện, Đại biểu Quốc hội khóa XV phát biểu tại buổi khai giảng các khóa học đào tạo từ xa năm 2023
Là 1 trong 18 Bệnh viện tuyến Trung ương trực thuộc Bộ Y tế trên toàn quốc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (Bệnh viện) được chọn là đơn vị được triển khai mô hình khám chữa bệnh từ xa. Thực hiện Quyết định số 2628 ngày 12/8/2020 của Bộ Y tế, Bệnh viện đã có công văn số 576/TB-BV về việc triển khai Dự án khám chữa bệnh từ xa, giai đoạn 2020 - 2025 tới các Bệnh viện tuyến dưới trong phạm vi Chỉ đạo tuyến bao gồm 15 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam, bắt đầu từ tháng 08/2020.
Tiến sỹ Lê Thị Hương Lan - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Đề án khám chữa bệnh từ xa là sự kế thừa và kết tinh của Đề án Bệnh viện Vệ tinh và Đề án 1816 của Bộ Y tế. Tháng 9/2020, Trung tâm tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa (Trung tâm) của Bệnh viện chính được thành lập với các hoạt động chính gồm: Tư vấn, hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật… Đây được xem là giải pháp quan trọng giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, hỗ trợ tích cực cho các bệnh viện tuyến dưới. Qua đó giúp các bác sĩ ở bệnh viện cơ sở có thể tự tin, yên tâm tiến hành điều trị những ca bệnh nặng, yêu cầu kỹ thuật cao với sự đồng hành và hỗ trợ trực tiếp, liên tục từ đội ngũ bác sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm từ tuyến trên. Quá trình đồng hành này không chỉ giúp từng bước nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện tuyến dưới mà còn giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí và giảm tải y tế cho tuyến trên.
Một buổi sinh hoạt khoa học trực tuyến về Ứng dụng dấu ấn sinh học trong sàng lọc, quản lý tiền sản giật thai kỳ và rối loạn chức năng tuyến giáp trong thai kỳ. Buổi sinh hoạt được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới tới hơn 30 điểm cầu tại các Bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện của: Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu
Với sự hỗ trợ kết nối bằng hệ thống Te-le-mi-đi-xin cho đường truyền nhanh, hình ảnh rõ nét, có thể kết nối dễ dàng với các bệnh viện tuyến dưới thông qua ứng dụng Zoom, Meet hoặc liên hệ trực tiếp bằng hình ảnh qua các thiết bị điện tử thông minh đã giúp việc kết nối có thể kết nối thực hiện cùng lúc với nhiều bệnh viện, nhiều nhiều điểm cầu. Sau gần 3 năm, Trung tâm đã kết nối trực tuyến với 70 điểm cầu ở các cơ sở y tế thuộc 15 tỉnh, gồm: Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu và Bình Phước. Qua đó, xây dựng mạng lưới tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa với các bệnh viện khu vực miền núi phía Bắc.
Ngoài việc hỗ trợ hội chẩn các ca bệnh khó, những trường hợp khẩn cấp, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên còn đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới thông qua hệ thống Telehealth, gồm đào tạo tại Bệnh viện và đào tạo tại cơ sở. Sau khi kết thúc khoá đào tạo lý thuyết sẽ được hỗ trợ chuyển giao các kỹ thuật thực tế lâm sàng ngay tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, sau đó sẽ cử các ê kíp chuyển giao kỹ thuật đến tận cơ sở để hỗ trợ cho các bác sĩ tuyến dưới thực hiện được các kỹ thuật này trên người bệnh tại cơ sở. Sau khi thực hiện đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, các bệnh viện tuyến dưới có thể thực hiện các kỹ thuật tại đơn vị mình. Đối với người bệnh sẽ được hưởng thụ các kết quả của quá trình đào tạo chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, giúp các bác sỹ nâng cao tay nghề cũng như triển khai được các kỹ thuật mới tại các cơ sở y tế tuyến dưới. BSCKII. Đào Minh Nguyệt - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến Bệnh viện thông tin thêm: để thực hiện tốt hơn công tác khám chữa bệnh từ xa, Bệnh viện có danh sách các chuyên gia của các lĩnh vực gửi các Bệnh viện tuyến dưới. Khi có các ca hội chẩn, bác sỹ bệnh viến tuyến dưới sẽ cùng hội chẩn, xin ý kiến tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia thuộc các lĩnh vực phát triển mạnh của Bệnh viện, như: Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, Hồi sức tích cực - Chống độc, Ngoại khoa, Nội khoa. Cùng với đó, Bệnh viện tổ chức các khóa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới theo nhu cầu đào tạo của các bệnh viện thuộc phạm vi chỉ đạo tuyến, tham gia đề án khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện.
Là một trong những bệnh viện tuyến tỉnh được thụ hưởng kết quả của Đề án khám chữa bệnh từ xa, BSCKII Trần Văn Tuyến - Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: thông qua Đề án khám chữa bệnh từ xa mà Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên triển khai gần 3 năm qua, các bệnh viện tuyến tỉnh như chúng tôi đã được trực tiếp nghe các giáo sư, tiến sỹ y học đầu ngành, các bác sỹ giỏi chỉ đạo, hướng dẫn từ xa việc xử trí các ca bệnh khó hay những ca phẫu thuật phức tạp. Từ mô hình của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, chúng tôi đã ứng dụng xây dựng các mô hình tại cơ sở, qua đó giúp các bệnh viện, Trung tâm Y tế tuyến huyện được học tập, trao đổi kinh nghiệm, trao đổi kỹ năng thực hành thường xuyên hơn.
Đối với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang, thông qua việc triển khai thực hiện Đề án đã mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực, trong đó lợi ích lớn nhất là giúp người dân ở các địa bàn xa trung tâm được hưởng chất lượng khám chữa bệnh như tuyến cuối. Theo đó, người bệnh dù nằm điều trị tại bệnh viện địa phương vẫn được bác sĩ tuyến Trung ương thăm khám, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị, giúp tiết kiệm khoản chi phí chuyển viện, bớt nguy cơ gặp rủi ro trong quá trình đi lại, đặc biệt trong những tình huống bệnh nguy cấp. Nói cách khác, người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên - tuyến Trung ương ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới với chi phí thấp hơn rất nhiều so với việc chuyển viện. Cùng với đó, các bác sỹ tuyến cơ sở có thể tự tin, yên tâm tiến hành điều trị những ca bệnh nặng, yêu cầu kỹ thuật cao với sự đồng hành và hỗ trợ trực tiếp, liên tục từ đội ngũ bác sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm từ tuyến trên.
BS Cao cấp Đồng Quang Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (áo xanh) và BSCKII. Trịnh Xuân Trường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La ký biên bản ghi nhớ hỗ trợ công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn, tham gia vào Đề án 1810 và khám chữa bệnh từ xa cho Bệnh viện đa khoa huyện trong thời gian tới
Có thể thấy những lợi ích thiết thực mà Đề án khám chữa bệnh từ xa mang lại. Điều đáng nói hiện nay, Trung tâm chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới đọc kết quả chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, siêu âm từ xa... với kết quả chính xác nhất, giúp chẩn đoán đúng và điều trị hiệu quả cho người bệnh. Phát huy những thế mạnh này, thời gian tới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên sẽ tiếp tục duy trì thực hiện Đề án khám chữa bệnh từ xa thông qua hoạt động tư vấn sức khoẻ; Hỗ trợ cho các bác sĩ ở tuyến dưới về chuyên môn; Hội chẩn, tư vấn về chẩn đoán hình ảnh cũng như các xét nghiệm vi sinh; Giải phẫu bệnh; Miễn dịch, di truyền phân tử. Đặc biệt, mở đường truyền kết nối đường link với các máy chụp, hệ thống xét nghiệm của bệnh viện tuyến cơ sở, giúp các bác sỹ ở Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên có thể đọc được ngay lập tức hình ảnh được truyền từ bệnh viện tuyến dưới, qua đó phân tích, đánh giá, tư vấn và đưa ra được hướng điều trị tốt nhất cho người bệnh./.