Nhập viện trong tình trạng bỏ bú, li bì, bị vàng da toàn thân, bệnh nhi K.M.T (6 ngày tuổi) ở thành phố Phổ yên, Thái Nguyên đã được các bác sĩ Khoa Sơ sinh - Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận, xử trí kịp thời và điều trị ổn định.

Bệnh nhi bị vàng da toàn thân

Khai thác thông tin từ gia đình được biết, sau sinh 2 ngày bé xuất hiện vàng da vùng bụng, tiếp tục vàng toàn thân rồi chuyển màu vàng sậm vùng mặt và tay chân. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện trẻ có tăng trương lực cơ, gồng cứng người và có những cơn ngừng thở ngắn, bú kém. Dựa trên kết quả xét nghiệm máu và hội chẩn chuyên khoa, bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh não cấp do tăng Bilirubin (một loại sắc tố mật có màu vàng do quá trình phá vỡ tự nhiên của hồng cầu sản sinh ra). Theo các bác sĩ, đối với bệnh lý vàng da, ngoài sự đổi màu điển hình của da và màng cứng của mắt, tăng bilirubin trong máu có thể gây tích tụ bilirubin trong chất xám của hệ thần kinh trung ương, dẫn đến các vấn đề thần kinh, thậm chí nghiêm trọng như bại não, rối loạn vận động, thiểu năng trí tuệ và các tổn thương thần kinh không hồi phục khác. Bệnh nhi nhanh chóng được chỉ định thay máu ngay lập tức để giảm nồng độ bilirubin, tránh gây tổn thương não, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ sau này.

Sau 1 tuần điều trị, hiện tại bệnh nhi đã có thể bú, thể trạng ổn định hơn, tiếp tục được các bác sỹ theo dõi sát sao các di chứng về thần kinh. 

Qua trường hợp trên các bác sĩ khuyến cáo: trong những ngày đầu sau sinh, gia đình cần thường xuyên đưa trẻ ra ngoài sáng, không nên để trẻ trong phòng tối. Thường xuyên theo dõi màu sắc da của trẻ, nếu thấy da trẻ có màu vàng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được các bác sỹ thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không nên tự ý điều trị vàng da tại nhà như uống nước lá, tắm lá hoặc tắm nắng…. Bệnh vàng da ở trẻ nếu để quá một tuần sẽ nguy hiểm đến tính mạng trẻ, dễ gây ra các biến chứng do chất bilirubin tăng xâm nhập vào nhân xám não làm tổn thương não dẫn tới nguy cơ tàn tật, bại não ở trẻ.