Sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân là một nhiệm vụ vô cùng cao cả và thiêng liêng. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, từ Bác sĩ đến những người Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật viên (gọi chung là Điều dưỡng) và các nhân viên khác tại các cơ sở y tế đều chung tay góp sức để tạo nên giá trị không chỉ trong khám, điều trị, chăm sóc mà còn là Dịch vụ Y tế đáp ứng nhu cầu sức khỏe của mỗi người.
Nghề Điều Dưỡng là một nghề cao cả, vì nhiệm vụ của điều dưỡng là chăm sóc sức khỏe cho con người. Ngành Điều dưỡng ở trên cả Thế giới và Việt Nam đều có những biến cố, sự thăng trầm lịch sử nhất định.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cho rằng: “Điều dưỡng là một mắt xích quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe. Dịch vụ chăm sóc sức khoẻ do người điều dưỡng – hộ sinh cung cấp có tác động lớn tới sự hài lòng của người bệnh”, do đó dù “ở bất cứ quốc gia nào, muốn nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe thì phải chú ý phát triển công tác điều dưỡng” như một lời khẳng định vai trò quan trọng của ngành Điều dưỡng.
Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng từng nói trong thư gửi học viên Trường Y tá Liên khu I, tháng 2 năm 1949: “y tá là những chiến sỹ đánh giặc ốm để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi, những chiến sỹ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó, phải giàu lòng bác ái hy sinh”.
Nghề nào đi nữa cũng cần có tâm, đã khoác trên mình chiếc áo Blue trắng thì mỗi nhân viên y tế nói chung và Điều dưỡng nói riêng phải xác định ngành nghề mình đã lựa chọn là vô cùng cao quý, thiêng liêng bên cạnh đó còn là nghề vô cùng vất vả, hiểm nguy khi phải chăm sóc những người bệnh nặng, bệnh truyền nhiễm có mức lây lan cao như bệnh SAR (2003), COVID-19, HIV, Viêm gan B, C…và dành hầu hết thời gian để ở bên người bệnh để chăm sóc một cách tốt nhất.
Làm nghề điều dưỡng ngoài tình yêu nghề, có lương tâm nghề nghiệp, còn phải biết nhẫn nại, lắng nghe và thấu hiểu người bệnh và biết chia sẻ với người bệnh và gia đình người bệnh trong suốt quá trình chăm sóc và điều trị. Và người ta nói rằng: thành công của một ca bệnh bao gồm có công sức không hề nhỏ của người Điều dưỡng
Để tôn vinh Ngày Điều dưỡng, tôn vinh những giá trị nhân văn mà các Điều dưỡng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã đóng góp cùng Bác sĩ và Người bệnh, bản thân tôi một Bác sỹ đã 25 năm gắn bó và cống hiến cho Ngành Y tế, cùng đồng hành với các Điều dưỡng hàng ngày trong công việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tôi càng thấy những vất vả nhọc nhằn của người Điều dưỡng. Công việc này cũng đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ và lòng yêu nghề, tinh thần nhiệt huyết. Với nụ cười hiền hậu và sự chăm sóc tận tâm, luôn yêu thương, chăm sóc người bệnh như chính người thân của mình. Điều dưỡng cũng chính là người gắn bó với người bệnh nhiều nhất, đặc biệt trong những lúc nằm viện. Chính những yếu tố này cộng thêm kiến thức, trí tuệ đã cứu sống và trả lại sức khỏe cho người bệnh về với gia đình và cộng đồng
Công việc thường ngày của Điều dưỡng chăm sóc cho người bệnh
Tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch COVID-19
Ngoài công tác chuyên môn các Điều dưỡng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã rất tích cực tham gia công tác Nghiên cứu khoa học và phát minh ra những sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm giúp nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện được tốt hơn. Hàng năm đã có khoảng 15-20 Đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp cơ sở được nghiệm thu và đưa vào áp dụng thực tiễn tại Bệnh viện. Thêm nữa cũng có 1 số Đề tài, sáng kiến của Điều dưỡng Bệnh viện được lựa chọn đăng và báo cáo tại các Hội nghị chuyên ngành trong nước và đã được các nhà khoa học chuyên ngành đánh giá cao tính thực tiễn và hiệu quả.
Bệnh viện đã phối hợp với Hội Điều dưỡng Ngoại khoa tổ chức thành công Hội nghị Điều dưỡng Ngoại khoa lần thứ IV
4 Điều dưỡng tiêu biểu của Bệnh viện đã được Hội Điều dưỡng Việt Nam Vinh danh lần đầu tiên năm 2020
Nhân ngày Quốc tế Điều dưỡng bản thân tôi xin cảm ơn những người Điều dưỡng - “Những chiến binh thầm lặng”.