Theo lời kể của anh H, anh làm việc tại một mỏ khai thác khoáng sản tại địa bàn xã Thần Sa, huyện Võ Nhai. Đầu giờ tối ngày 17/03/2021, trong lúc đang đi làm không may anh bị rắn cắn vào 2 ngón tay trái, do bất ngờ cũng như trời tối nên không xác định được chính xác loại rắn gì. Lúc này vết cắn nhỏ, không đau và chỉ chảy ít máu. Ngay sau khi tự garo cánh tay trái, anh được đồng nghiệp đưa đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên để cấp cứu.
Bác sĩ Lâm Văn Tài đang công tác tại Khoa Cấp Cứu Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết, bệnh nhân T.Q.H nhập viện lúc 21h42’ ngày 17/03/2021 trong tình trạng tỉnh táo, không khó thở, vết cắn vùng ngón tay đau ít, không chảy máu. Tuy nhiên chỉ vài giờ sau, nọc độc rắn đã bắt đầu khiến anh H rơi vào trình trạng nguy kịch, đau mỏi cơ toàn thân tăng nhanh, nuốt khó, khó thở, tăng tiết đờm dãi và rơi vào tình trạng suy hô hấp cấp, ngay lập tức bệnh nhân đã được các bác sĩ đặt nội khí quản, thở máy và chăm sóc tích cực theo phác đồ.
Bệnh nhân T.Q.H trong quá trình điều trị
Sau quá trình được điều trị bằng phương pháp tốt nhất cùng với sự tận tình của các nhân viên y tế khoa Cấp Cứu, ngày 07/4/2021, bệnh nhân H đã có thể tự đi lại được trong phòng, tự thở tốt, sức khỏe ổn định và được ra viện. Anh H xúc động chia sẻ “dường như tôi đã đi từ cõi chết trở về, không ngờ con rắn nhỏ cắn vết nhỏ như vậy mà khiến tôi rơi vào cơn nguy kịch, cơ thể tôi lúc đó tê liệt hoàn toàn, răng cắn vào lưỡi mặc dù đầu óc vẫn tỉnh táo. Thật may mắn cho tôi khi đã đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên ngay sau khi tự sơ cứu vết cắn. Gia đình tôi rất cảm ơn các bác sĩ trong những ngày qua đã hết lòng cứu chữa, chăm sóc giúp tôi có thể sớm trở lại cuộc sống bình thường”,
Bệnh nhân đang tập đi lại trong phòng
Thời gian qua Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cũng đã tiếp nhận và điều trị thành công nhiều nhiều trường hợp bị rắn độc cắn. Theo Bác sĩ Lâm Văn Tài, hiện nay tai nạn do rắn độc cắn rất phổ biến, tai nạn này thường tăng vào mùa hè khi rắn vào mùa sinh sôi, phát triển. Bác sĩ Tài khuyến cáo: Người dân nếu không may bị rắn cắn, cần băng ép vùng chi bị cắn bằng băng vải hoặc băng tự tạo từ quần áo, băng tương đối chặt nhưng vẫn sờ thấy mạch đập, sau đó bất động tay chân bị cắn bằng nẹp cứng (miếng gỗ, tre, bìa cứng,…), để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở tay hoặc chân thì để thõng, không tự đi lại hoặc vận động, gọi người xung quanh hỗ trợ đưa đến cơ sở y tế gần nhất để để được xử trí kịp thời (kể cả khi vết cắn không đau, không chảy máu), không nên cố bắt hoặc giết rắn, thay vào đó cần ghi nhớ hình dạng, màu sắc rắn hoặc chụp ảnh để giúp nhận dạng loài rắn dễ dàng hơn. Trên đường vận chuyển đến cơ sở y tế, nếu bệnh nhân suy hô hấp cần được hô hấp nhân tạo (bằng thổi ngạt hoặc phương tiện y tế tại chỗ như bóp bóng,…). Đề phòng rắn cắn, tránh càng xa rắn càng tốt, xung quanh nơi ở cần phát quang bụi rậm, dùng đèn, đi ủng, giày cao cổ và quần dài nếu đi trong đêm tối. Tránh trêu chọc, bắt rắn, sờ vào miệng rắn, kể cả rắn chết hay đầu rắn đã cắt rời.
Bệnh nhân H sức khỏe đã ổn định