“Chúng tôi có những niềm vui và nỗi buồn đan xen, những cung bậc cảm xúc thay đổi hết sức nhanh chóng. Chúng tôi vui khi những những người bệnh được cứu sống và thấy được sự bất lực khi chứng kiến những người bệnh không còn khả năng cứu chữa. Nhưng chúng tôi vẫn ở đây, vẫn luôn nỗ lực, tận tâm và miệt mài gieo mầm cho sự sống có cơ hội hồi sinh bởi những trái tim, quả thận, lá phổi… của những người bệnh không may mắn ấy sẽ trở thành món quà sự sống của biết bao con người tưởng chừng đã hết hy vọng. Và khi ấy tôi biết, công việc hàng ngày của người bác sỹ Cấp cứu, bác sỹ Hồi sức hay những tư vấn viên vận động hiến mô tạng càng trở nên ý nghĩa, nhân văn hơn bao giờ hết”.
Ths.BS Đào Thị Hương - Phó Trưởng khoa Cấp cứu khám, cấp cứu người bệnh tại Khoa
Đó là những lời tâm sự, chia sẻ từ đáy lòng về chuyện nghề của Ths.BS Đào Thị Hương - Phó Trưởng khoa Cấp cứu cùng các thành viên Tổ tư vấn hiến ghép mô tạng (Tổ tư vấn), Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Đã nhiều năm theo nghề y, công việc hàng ngày của các thành viên trong tổ vô cùng bận rộn, căng thẳng, áp lực, đã chứng kiến không ít câu chuyện thắt lòng, là ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết nhưng chưa khi nào các anh, các chị không ngừng hy vọng điều kỳ diệu sẽ đến. Bởi khi cánh cửa này đóng lại sẽ có nhiều cánh cửa khác được mở ra, người mất đi không phải là dấu chấm hết mà sẽ vẫn có thể gieo hạt cho bao mầm sống khác nảy nở, hồi sinh.
Tháng 11/2022, sau khi hoàn thành khóa tập huấn mạng lưới tư vấn viên vận động ghép mô tạng toàn quốc, cùng với công việc chuyên môn hàng ngày là cấp cứu, điều trị người bệnh, các thành viên trong Tổ tư vấn đã vận dụng những kiến thức được học để vận động người bệnh chết não đồng ý hiến tạng. ThS.BS Đào Thị Hương - Phó Trưởng khoa Cấp cứu chia sẻ: Việc hiến tặng mô, tạng cho những người bị suy tạng là một món quà vô giá, là nghĩa cử cao đẹp giúp nối dài sự sống cho những người bệnh tưởng chừng như đã tắt hết hy vọng với cuộc đời. Với tinh thần nhân ái, sẻ chia, thời gian qua trên cả nước đã có nhiều người đăng ký hiến tạng khi qua đời và cũng đã có nhiều gia đình dù rất thương xót vẫn đồng ý hiến tạng của người thân bị chết não, góp phần thay đổi cuộc sống của những người bệnh kém may mắn đang chờ nguồn tạng hiến.
Ths.BS Đào Thị Hương (đứng thứ 7, hàng trên cùng từ phải sang) tham gia tập huấn mạng lưới tư vấn viên vận động ghép mô tạng toàn quốc tại Hà Nội tháng 11/2022
Tại Thái Nguyên, việc vận động nguời bệnh chết não hiến tạng còn gặp nhiều khó khăn do suy nghĩ, quan niệm chết toàn thây của người dân Việt Nam. Nhận thức được ý nghĩa và giá trị nhân văn của việc hiến mô tạng, Tổ tư vấn đã rất tích cực vận động gia đình có người bệnh chết não tại Bệnh viện hiến tạng. Dù biết công việc này không hề dễ dàng nhưng sau nhiều lần kiên trì, bền bỉ, không nản trí vì cuộc sống của bao người, tháng 12/2022, Tổ đã vận động thành công gia đình người bệnh đầu tiên ở phường Tân Thịnh, TP. Thái Nguyên bị xuất huyết não do tăng huyết áp đồng ý hiến tạng. Tháng 4 vừa qua, bệnh nhân H.N.T 19 tuổi ở Bắc Kạn bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông dù đã được phẫu thuật và thực hiện các biện pháp hồi sức tích cực nhưng người bệnh tiên lượng ý thức xấu, chết não, nguy cơ tử vong cao. Qua quá trình cấp cứu, điều trị người bệnh và tiếp xúc với gia đình, Tổ biết được H.N.T là một chàng sinh viên trẻ, rất chăm chỉ và tốt bụng, hay giúp đỡ mọi người. Sau nhiều lần trò chuyện với gia đình, đặc biệt là mẹ của T, Tổ đã vận động gia đình đồng ý hiến tạng của cháu để cứu sống nhiều người bệnh suy tạng khác. Dù rất thương con và đã khóc rất nhiều lần, cuối cùng mẹ T đã đồng ý hiến tạng. Tại Bệnh viện Việt Đức, T đã hiến gan, tim và 2 quả thận cho các bệnh nhân mắc bệnh nặng. Sau thời gian được ghép tạng, các bệnh nhân đều hồi phục rất ngoạn mục và một lần nữa, mầm sống lại hồi sinh.
Theo số liệu của Hội ghép tạng Việt Nam, sau 30 năm (1992 – 2022) triển khai, thực hiện kỹ thuật ghép tạng, Việt Nam đã ghép thành công được 6.550 người. Trong đó có 6.094 ca ghép thận, 384 ca ghép gan, 59 ca ghép tim, 9 ca ghép phổi, 1 ca ghép tụy + thận; 1 ca ghép tim + phổi và ghép ruột là 2 ca. Tuy nhiên 95% ca ghép tạng ở Việt Nam được tiến hành từ người cho sống, chỉ có 5% ca ghép từ người cho chết não, điều này đi ngược với xu hướng chung của toàn thế giới khi nhiều nước đa phần ca ghép tạng là từ người cho chết não. Hiện nay trên cả nước mới có 5 đơn vị vận động được người bệnh, gia đình người bệnh hiến mô tạng thành công là: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện 108 (Hà Nội), Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh), Bệnh viện E và Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Nhu cầu lớn, nguồn tạng hiến từ người chết não lại rất ít nên đây thực sự là khó khăn, thách thức trong công tác vận động nhằm tăng cường nguồn tạng hiến để cứu sống người bệnh. Bởi nếu có được sự ủng hộ của toàn xã hội, mỗi năm ít nhất sẽ có 1.500 người bệnh suy tạng có cơ hội được bắt đầu cuộc đời thứ hai của mình nhờ ghép mô tạng. Và như vậy, cần lắm những người Bác sỹ, Điều dưỡng, những tư vấn viên vận động hiến mô tạng như bác sỹ Hương hay các thành viên Tổ tư vấn hiến mô tạng của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên để nhân lên những mầm sống hạnh phúc./.