Ngày 7/12, ông Đ.V.B 3 tuổi, ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên trở lại khoa Ngoại tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khám lại theo lịch hẹn của bác sỹ. Bước đi nhanh nhẹn, khuôn mặt hồng hào, trên môi nở nụ cười rạng rỡ, ông B đặc biệt gửi lời cảm ơn đến đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng trong khoa đã tận tình cứu chữa, điều trị và chăm sóc cho mình. 

Ông B vui vẻ trò truyện và gửi lời cảm ơn đến đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng khoa Ngoại tim mạch - Lồng ngực trong ngày trở lại thăm khám

Trước đó, ngày 6/9, ông Đ.V.B. 73 tuổi, ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên phải nhập khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực trong tình trạng đau bụng âm ỉ vùng hạ vị. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, ông B được chẩn đoán viêm rò phình động mạch chủ bụng đoạn dưới thận, khối máu lớn thoát ra từ lỗ rò động mạch chủ bụng được các quai ruột và mạc nối bao bọc lại. 

Các bác sỹ cho biết, tình trạng của ông B rất nguy hiểm, nếu không được phẫu thuật kịp thời tỉ lệ tử vong rất cao vì khối phình động mạch chủ bụng đã vỡ, được bọc lại thành bọc máu lớn và đã bị nhiễm trùng nặng. Theo đó, sau khi được điều trị nhiễm trùng bằng phương pháp nội khoa, các bác sỹ trong khoa đã hội chẩn toàn khoa và với các chuyên gia đầu ngành về tim mạch, lồng ngực, người bệnh được phẫu thuật cắt bỏ khối phình và khâu nối thay đoạn động mạch chủ bụng hình chữ Y, bảo tồn tối đa 2 động mạch chậu trong 2 bên và động mạch mạc treo tràng dưới. Sau phẫu thuật, ông B được hồi sức tích cực, theo dõi sát các chỉ số sinh tồn và tình trạng mạch ngoại vi. Quá trình hồi phục của người bệnh diễn ra thuận lợi, ông B được xuất viện sau 2 tuần.

Tiến sỹ Lô Quang Nhật (thứ 2 từ trái sang) - Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực cùng các bác sỹ, điều dưỡng đến thăm khám, kiểm tra sức khỏe của ông B trong ngày tái khám

Tiến sỹ Lô Quang Nhật, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực thông tin thêm: Động mạch chủ bụng là động mạch chính chia ra các nhánh để nuôi dưỡng các tạng trong ổ bụng như: Gan, lách, thận, dạ dày, ruột…  Phình động mạch chủ bụng là bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong rất cao (chiếm 80%) khi có biến chứng vỡ khối phồng. Ở Việt Nam, số bệnh nhân phình động mạch chủ và lóc tách động mạch chủ được phát hiện ngày càng nhiều. Bệnh hay gặp ở những người có thói quen hút thuốc lá, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, do bất thường về gen, do nhiễm khuẩn hoặc do chấn thương... Nguy hiểm của bệnh là gây thiếu máu cho toàn bộ cơ thể khiến các cơ quan bị suy yếu, gây thiếu máu não, tủy, vàng da do vỡ hồng cầu, huyết khối. Tuy nhiên, phần lớn ca bệnh gần như không có triệu chứng, người bệnh chỉ được phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng, chụp phim tim phổi... Theo đó các bác sỹ khuyến cáo người bệnh cần duy trì thực hiện khám sức khỏe tổng quát định kỳ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường của sức khỏe./.