Ung thư tuyến giáp là dạng ung thư phổ biến nhất của hệ nội tiết. Theo Globocan  - Một dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (International Agence on Cancer Research – IACR) trực thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2020, đã có trên 586.200 trường hợp ung thư tuyến giáp mắc mới, xếp hàng thứ chín trong các bệnh ung thư ở cả hai giới với tỷ lệ mắc bệnh nam/nữ là 1/3.

Ung thư tuyến giáp chia làm hai thể khác nhau về lâm sàng, điều trị và tiên lượng, gồm: thể biệt hóa và thể không biệt hóa. Đối với ung thư tuyến giáp thể biệt hóa thường tiến triển chậm, tiên lượng tốt, gồm thể nhú, thể nang hoặc hỗn hợp nhú và nang. Trong đó thể nhú là thể hay gặp nhất, chiếm tỷ lệ 70 - 80%. Vị trí di căn xa hay gặp của ung thư tuyến giáp là phổi, xương… Đối với bệnh nhân ung thư tuyến giáp nói chung, phương pháp điều trị hiện nay là phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ/gần toàn bộ kết hợp với điều trị bằng I-131 (phương pháp điều trị sử dụng dược chất phóng xạ, dùng trong điều trị bệnh nhân ung thư giáp thể biệt hóa đã được phẫu thuật cắt giáp toàn bộ ), sau đó tiếp tục điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế. Theo BSCKI. Vũ Đình Kiên, Trung tâm Ung bướu: Khi điều trị bằng I-131, tế bào tuyến giáp có khả năng hấp thu i-ốt rất tốt và I-131 có thể được sử dụng hiệu quả để phá hủy những mô tuyến giáp còn lại (lành tính và ung thư) sau khi phẫu thuật. I-131 sau khi hấp thụ vào sẽ phá hủy AND và làm chết tế bào tuyến giáp. Do không có đặc tính bắt giữ I-131 nên các tế bào khác của các cơ quan khác trong cơ thể sẽ ít chịu tác động của dược phóng xạ này. Để giúp tăng khả năng hấp thu I-131 và hiệu quả điều trị đạt mức tối đa,trước khi điều trị bằng I-131, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân ngừng hormone tuyến giáp từ 4 - 6 tuần. Khi chỉ số TSH (chỉ số hormone kích thích tuyến giáp) đạt tới mức cần thiết theo yêu cầu bác sỹ, bệnh nhân được uống I-131 liều nhỏ và chụp xạ chuẩn đoán với I-131. Xét nghiệm này giúp các bác sỹ có thể ước lượng được phần mô giáp cần phá hủy là bao nhiêu cũng như đánh giá tổn thương di căn xa ở phổi và các vị trí khác. Vì vậy, việc điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa sau phẫu thuật bằng I-131 (với liều cụ thể do bác sĩ quyết định) đã làm thay đổi rất nhiều tiên lượng của bệnh. Tỷ lệ sống trên 5 năm lên tới 90-95%, tỷ lệ tái phát giảm đáng kể, chỉ còn 6,2% trong 5 năm (Theo Fabio Medas và cộng sự, 2019).

Sau khi bệnh nhân được điều trị bằng I-131 việc tái khám định kỳ theo lịch hẹn của Bác sĩ rất quan trọng, khi tái khám người bệnh sẽ được khám lâm sàng và làm các xét nghiệm đánh giá nguy cơ tái phát bệnh. Trong đó có 3 xét nghiệm quan trọng gồm: định lượng Tg, Anti- Tg, siêu âm hạch vùng cổ và Xạ hình toàn thân bằng I-131 trên máy SPECT. Hiện tại Bệnh viện trung ương đã có đủ các thiết bị máy móc để giúp cho quá trình điều trị và theo dõi cho bệnh nhân. 

Hiện tại Đơn vị Y học hạt nhân - Trung tâm Ung bướu Thái Nguyên đang điều trị và theo dõi tái khám cho hàng nghìn bệnh nhân Ung thư tuyến giáp thể biệt hoá sau phẫu thuật bằng I-131. Với trang thiết bị hiện đại như máy SPECT của hãng SIEMENS, Máy đo độ tập trung I-131, hệ thống xét nghiệm miễn dịch tại khoa sinh hoá… đã đáp ứng được việc điều trị và theo dõi sau điều trị cho nhiều bệnh nhân trong tỉnh Thái Nguyên và nhiều tỉnh thành trong khu vực. 

Bệnh nhân đang được chụp xạ hình kiểm tra trên máy SPECT

Ảnh xạ hình bệnh nhân sau điều trị I-131 có di căn phổi