Ung thư thực quản là loại bệnh lý ác tính có tiên lượng bệnh xấu và đứng hàng thứ tư sau các ung thư tiêu hóa là ung thư dạ dày, ung thư gan và ung thư đại trực tràng về mức độ phổ biến tại Việt Nam, tỷ lệ sống thêm 5 năm khi phát hiện bệnh thường không cao. Phẫu thuật, về lý luận là biện pháp điều trị có tính chất triệt căn nhất, trên thực tế số người bệnh có khả năng mổ được và có khả năng cắt được tương đối ít. Số người bệnh  không mổ được chiếm đa số, phần vì chẩn đoán muộn, phần khác do tuổi cao, bệnh nội khoa phối hợp và không ít người bệnh từ chối mổ. Hơn nữa, phẫu thuật thực quản là phức tạp có nhiều biến chứng về miệng nối, biến chứng phổi và màng phổi phức tạp. Do vậy, cần lựa chọn kỹ để có chỉ định, các phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm và phương tiện tốt.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kỹ thuật chuyên sâu trong toàn Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Khoa Ngoại Tiêu hóa – Gan mật đã triển khai nhiều kỹ thuật chuyện sâu điều trị bệnh lý tiêu hóa, gan mật như: Phẫu thuật cắt khối tá tụy; Phẫu thuật nội soi cắt đoạn dạ dày; cắt U đại, trực tràng; Phẫu thuật khâu nối đường tiêu hóa bằng máy... Kế hoạch triển khai phẫu thuật điều trị Ung thư thực quản đã được Ban giám đốc bệnh viện phê duyệt cho phép triển khai. Sau một thời gian, tầm soát, lựa chọn từ 12 người bệnh bị Ung thư thực quản, ngày 30/11/2016  Khoa ngoại Tiêu hóa Gan mật Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiếp nhận và điều trị cho người bệnh Nguyễn Thanh T, 61 tuổi, địa chỉ xã Linh Sơn huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên bị ung thư thực quản đoạn 1/3 dưới, đủ tiêu chuẩn phẫu thuật.

Ngày 20/12/2016, cùng với sự hỗ trợ của tuyến trên, các bác sỹ Khoa Ngoại Tiêu hóa – Gan mật đã tiến hành phẫu thuật cắt thực quản nội soi, tạo hình thực quản bằng dạ dày. Ca mổ diễn ra trong 5 giờ với 2 thì chính: Thì ngực phẫu thuật nội soi giải phóng thực quản, vét hạch vùng và thì bụng vét hạch di căn nhóm 8,9,10,12P.. phẫu tích u thực quản xâm lấn cắt đoạn thực quản có u, tạo hình thực quản bằng dạ dày, nối dạ dày - Thực quản hình Z bằng Stapler(khâu máy). Sau 20 ngày theo dõi, chăm sóc điều trị hậu phẫu, người bệnh đã ăn được, sinh hoạt bình thường, thể trạng dần hồi phục, ngày 9/1/2017 người bệnh được đánh giá kỹ, toàn diện về xét nghiệm, lâm sàng.. cho thấy tình trạng người bệnh ổn định và đã được xuất viện trở về sinh hoạt với gia đình. Đến dự buổi xuất viện cho người bệnh  phẫu thuật cắt thực quản nội soi, tạo hình thực quản bằng dạ dày lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Nguyễn Huy Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện thay mặt Lãnh đạo Bệnh viện đã thăm hỏi, động viên và tặng quà cho người bệnh Nguyễn Thanh T, đồng thời đồng chí cũng ghi nhận những thành tích phát triển kỹ thuật mới của khoa Ngoại Tiêu hóa – Gan mật nói chung cũng như thành công về ca mổ cắt khối u thực quản nội soi, tái tạo thực quản dạ dày đầu tiên của khoa nói riêng cùng kíp mổ thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Như vậy, Ung thư thực quản là bệnh khó chữa, phẫu thuật là phương pháp quan trọng nhất nhưng lại khá phức tạp, để lại nhiều biến chứng, chỉ định phẫu thuật và tiên lượng phẫu thuật phụ thuộc rất lớn vào việc phát hiện giai đoạn bệnh và vị trí u thực quản. Các phương pháp khác như hóa trị, xạ trị chỉ có vai trò hỗ trợ trong điều trị ung thư thực quản, việc phát hiện ra ung thư thực quản sớm sẽ giúp khả năng có thể điều trị khỏi bệnh tăng lên. Có nhiều nghiên cứu cho thấy việc phát hiện ung thư sớm có khả năng chữa trị bệnh cao. Nếu phát hiện có những biểu hiện triệu chứng nghi ngờ bệnh ung thư thực quản như: Nuốt nghện thường xuyên, khó nuốt, gầy sút nhanh, người bệnh cần phải đến các bệnh viện chuyên khoa kịp thời để tiến hành khám và có chỉ định điều trị kịp thời.

 

(Đ/c Nguyễn Huy Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện tặng quà thăm hỏi người bệnh)