PGS.TS Nguyễn Công Hoàng,Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) thành viên·nhóm tác giả công trình


“Giữa bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, nhiều người dân có tâm lí căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, thậm chí có trường hợp hoảng loạn, stress. Chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm hướng đến việc kịp thời cung cấp thông tin cụ thể, đơn giản, chính xác và những hiểu biết sâu về dịch họa, tìm ra biện pháp bảo vệ sức khỏe tâm thần và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Những kết quả của nghiên cứu là rất thiết thực trong việc góp phần ổn định tâm lí cho cộng đồng” - PGS.TS Nguyễn Công Hoàng (Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên; Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên), đại diện nhóm tác giả công trình chia sẻ.

Công trình được triển khai bởi nhóm 17 nhà khoa học Việt Nam cùng 02 nhà khoa học Đài Loan, tiến hành nghiên cứu đối với 3947 người mang biểu hiện ho sốt và triệu chứng nghi nhiễm Covid-19, tại các cơ sở y tế ở Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam về Covid-19.

Kết quả nghiên cứu này vừa được công bố bởi Nhà xuất bản MDPI (Top 10%, số 15/160; lĩnh vực Y học, Tổng quát, Nội khoa), đăng tải trên JCM (Tạp chí Y học lâm sàng, ISSN 2077-0383).

Nội dung công trình đi vào nghiên cứu vấn đề vai trò của năng lực sức khỏe (Health Literacy) trong việc bảo vệ sức khỏe tâm thần và chất lượng cuộc sống của người dân trong đại dịch Covid-19, đặc biệt là với người có triệu chứng tương tự với người nhiễm Covid-19.

Nghiên cứu này cho kết quả: 64,3% số người có dấu hiệu trầm cảm mang các triệu chứng tương tự người nhiễm Covid-19 (nghi nhiễm). Trong đó, tỉ lệ này với nhóm người dưới 40 tuổi là 33%, với nhóm người 40 - 59 tuổi là 24,8%, với nhóm người từ 60 tuổi trở lên 42,2%. Đồng thời, tỉ lệ này cũng có sự thay đổi tùy theo sự khác biệt về trình độ học vấn, tình trạng xã hội, tình trạng ăn uống, hoạt động thể chất, khả năng chi trả cho thuốc men...

Nghiên cứu cho thấy, một trong những lí do quan trọng dẫn đến tâm lí trầm cảm là vì các thông tin về dịch bệnh mà người dân được tiếp nhận chủ yếu mới thiên về bề rộng (ở nhà, tránh tiếp xúc, giữ vệ sinh...) chứ chưa đủ chiều sâu (tại sao, cụ thể cần làm thế nào...), khiến nhiều người lo sợ, phòng chống không đúng cách.

Kết quả nghiên cứu này là căn cứ quan trọng để tham khảo trong việc can thiệp y tế khi nó giúp các y bác sỹ có tinh thần và thái độ tích cực, phù hợp hơn trong quá trình tư vấn và điều trị cho người bệnh, cũng như hướng đến cung cấp những dịch vụ y tế hiệu quả hơn trong kiểm soát dịch bệnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, công trình khoa học này không chỉ có giá trị về lí thuyết với sự đóng góp cho lĩnh vực sức khỏe tâm thần (tinh thần), mà còn có giá trị ứng dụng thực tiễn cao khi nó giúp củng cố và bù đắp những thiếu hụt về hiểu biết y tế cho người dân, hỗ trợ kỹ năng phản ứng cho y bác sỹ. 

Công trình còn cung cấp những căn cứ khoa học cụ thể và hữu ích, giúp cho việc thông tin tuyên truyền của báo chí đến người dân về dịch Covid-19 được sát thực, hiệu quả hơn. Ông cho biết, trên cơ sở nghiên cứu này, hiện nay bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cũng như các bệnh viện, cơ sở y tế thuộc chương trình nghiên cứu đã triển khai áp dụng trong can thiệp, hỗ trợ y tế của y bác sỹ đối với bệnh nhân.

Như phân tích của các tác giả công trình, hiểu biết sức khỏe là một điều thiết yếu của thực hành y tế công cộng để tạo ra các can thiệp hiệu quả, tối đa hóa kết quả sức khỏe người dân. Hướng nghiên cứu này đã đóng góp một cách tiếp cận mang tính chiến lược trong vấn đề ngăn ngừa, kiểm soát dịch bệnh.

* Công trình nghiên cứu được thực hiện từ 14/02 đến 02/03/2020. Trong tổng số 4029 người tham gia phục vụ khảo sát (có 82 cá nhân được loại trừ vì thuộc diện dưới 18 tuổi và trên 85 tuổi, hoặc không đủ dữ kiện), đã có mẫu của 3947 người được phân tích.

* Cho đến nay, riêng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (thuộc phạm vi công trình nghiên cứu) đã thực hiện trên 1.800 xét nghiệm Covid-19, trong đó duy nhất 01 ca dương tính. Hiện tại, đơn vị đang thực hiện trung bình 250 ca xét nghiệm / ngày.