Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Phạm Văn Tươi rưng rưng: Hôm nay tôi còn được ngồi đây để nói chuyện với nhà báo cũng như người thân đều nhờ các y, bác sĩ là người đã sinh ra tôi lần thứ hai. Bản thân tôi trước đây cũng hay bị bệnh đau đầu. Đầu năm nay, thấy bị đau đầu nhiều tôi đã nằm 12 ngày điều trị ở Bệnh viện huyện Đồng Hỷ. Các bác sĩ ở đó kết luận tôi bị rối loạn tiền đình. Thấy tiêm và uống thuốc đỡ tôi xin ra viện. Suốt từ đó đến lúc tôi bị đột quỵ sức khỏe của tôi bình thường không có biểu hiện gì khác thường.
Kể lại thời điểm anh Tươi lâm trọng bệnh, chị Hoàng Thị Hương vợ anh vẫn chưa hết cảm giác bàng hoàng: Chiều ngày 7-12, chồng em kêu đau đầu, em đi mua thuốc cho uống song không đỡ. Đến khoảng 19h tối cơn đau dữ dội khiến anh ấy chóng mặt, tê nửa người bên trái, rồi mồm cứng lại, lay gọi không biết gì nữa, em hoảng hồn quá kêu người nhà gọi taxi đưa sang Khoa cấp cứu Bệnh viện TW Thái Nguyên. Khi các bác sĩ cho chụp cắt lớp, làm các xét nghiệm và thông báo cho gia đình tình trạng của chồng em, cả gia đình tuyệt vọng, chỉ biết đặt niềm tin vào các y, bác sĩ. Nhưng em không ngờ chỉ sau 5 phút chồng em được tiêm mũi tiêu huyết khối anh ấy mở mắt tỉnh dậy và hỏi sao mình lại ở đây. Chân, tay bên trái anh ấy cũng đã cử động được. Quả là thuốc thần chị ạ.
Đúng như những gì chị Hoàng Thị Hương chia sẻ, qua tìm hiểu chúng tôi được biết đây là bệnh nhân đầu tiên bị tai biến mạch máu não (đột quỵ não) được cứu sống bằng phương pháp điều trị tiêu huyết khối. Trao đổi cùng chúng tôi, BSCKII Bùi Thị Huyền, Trưởng khoa Thần kinh, phụ trách Trung tâm đột quỵ Bệnh viện TW Thái Nguyên cho biết thêm. Từ những triệu chứng và biểu hiện trên lâm sàng, các sác sĩ nhận định anh Phạm Văn Tươi bị tai biến mạch máu não cấp tính có đe dọa đến tính mạng và trong giai đoạn cấp có thể can thiệp tiêu huyết khối. Ngay lập tức người bệnh đã được chụp Cắt lớp vi tính (CT) sọ não và mạch máu não cấp cứu, đồng thời làm các xét nghiệm máu. Kết quả CT sọ não cho thấy tắc nhánh M1 của động mạch não giữa bên phải. Đây là một tình trạng nặng nếu không được tiêu huyết khối thì tiên lượng nguy cơ tử vong đến 90%. Trường hợp nếu có sống thì di chứng để lại sẽ rất nặng nề, trong khi người bệnh tuổi còn trẻ, lại là trụ cột của gia đình. Một cuộc hội chẩn nhanh giữa lãnh đạo Bệnh viện với các khoa Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Đột quỵ và Khoa Cấp cứu. Ngay sau đó người bệnh đã được tiến hành điều trị bằng phương pháp tiêm thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch. Chỉ sau khi tiêm thuốc 5 phút người bệnh đã nâng được chân tay bên liệt và nói chuyện được bình thường, tình trạng liệt đã hoàn toàn hồi phục. Người bệnh tiếp tục được theo dõi, chăm sóc đặc biệt để theo dõi phòng ngừa các biến chứng của tiêu huyết khối. 14 tiếng sau người bệnh đã được chuyển vào Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện để tiếp tục điều trị và dự phòng nhồi máu não tái phát theo phác đồ điều trị nhồi máu não. Cho đến ngày thứ ba người bệnh đã hoàn toàn khỏe mạnh, tự đi lại được và không hề có biến chứng gì. Đây là ca bệnh đầu tiên Bệnh viện triển khai kỹ thuật tiêu huyết khối và đã thành công, cứu sống được người bệnh bị tai biến mạch máu não.
Được biết kỹ thuật tiêu huyết khối ở bệnh nhân nhồi máu não cấp tính là một kỹ thuật mới mà Bệnh viện TW Thái Nguyên vừa cử kíp các bác sĩ, điều dưỡng đi học tập tại Trung tâm đột quỵ Bệnh viện TW Quân y 108 về. Kỹ thuật tiêu huyết khối ở bệnh nhân nhồi máu não cấp là một kỹ thuật mang lại hiệu quả rất cao, nếu bệnh nhân đến viện sớm và được điều trị kịp thời thì người bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn không để lại di chứng. Kỹ thuật này đã và đang được các nước trên thế giới rất quan tâm vì hiện nay tỷ lệ mắc tai biến mạch máu não cao và có xu hướng trẻ hóa, tỷ lệ chết vì bệnh đột quỵ não cao thứ ba sau các bệnh ung thư và tim mạch, tỷ lệ di chứng của đột quỵ não cao và nặng nề nếu không được điều trị tích cực.
Cũng theo BSCKII Bùi Thị Huyền, cái khó nhất của phương pháp tiêu huyết khối là chỉ thực hiện được trong 4,5 giờ đầu tiên kể từ khi xảy ra đột quỵ (khung giờ vàng). Để thực hiện được kỹ thuật này phải có sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ vì có rất nhiều biến chứng phức tạp có thể xảy ra. Để kịp thời cứu sống người bệnh tai biến mạch máu não chúng tôi khuyến cáo người nhà cần phát hiện sớm các dấu hiệu của đột quỵ để đưa người bệnh đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất có thể. Vì kỹ thuật tiêu huyết khối tỷ lệ thành công rất cao nhưng chỉ thực hiện được trong 4,5 giờ đầu tiên từ khi xảy ra đột quỵ. Nếu bệnh nhân đến muộn thì tỷ lệ tử vong cao và nếu có sống thì di chứng nặng nề. Nếu như tiêm thuốc tiêu huyết khối mà huyết khối không tan, chúng tôi sẽ dùng biện pháp lấy huyết khối trong lòng mạch, sự phối hợp của hai kỹ thuật này thì tỷ lệ thành công rất cao.
Được biết, trước đây phác đồ điều trị huyết khối gây tắc mạch máu não là điều trị nội khoa dùng thuốc bảo vệ tế bào thần kinh và bù nước điện giải, chống kết tập tiểu cầu vì thế huyết khối vẫn tồn tại, mạch máu không lưu thông nên một vùng của não bộ vẫn bị tổn thương. Với phương pháp mới này, sau khi tiêm sẽ làm tan hoàn toàn huyết khối, mạch máu thông hoàn toàn. Việc điều trị thành công, cứu sống một người bệnh nhồi máu não cấp bằng phương pháp tiêm thuốc tiêu huyết khối của các y, bác sĩ Trung tâm đột quỵ Bệnh viện TW Thái Nguyên mở ra một phương pháp mới hiệu quả trong điều trị bệnh tai biến mạch máu não (tắc huyết khối), góp phần cứu sống các bệnh nhân.