Theo một số nghiên cứu, suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến trên 80% người bệnh ung thư, từ đó tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của họ. Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở người bệnh ung thư khá đa dạng, có thể do triệu chứng của bệnh, có thể do tác dụng phụ của liệu pháp điều trị đa mô thức, hay gặp là tình trạng chán ăn, buồn nôn, nôn, khô miệng, thay đổi vị giác, đau họng và khó nuốt…

Góc tư vấn dinh dưỡng (thuộc khoa Dinh dưỡng) hàng ngày đón tiếp nhiều người bệnh nói chung, người bệnh ung thư nói riêng đến tư vấn dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng liên quan đến bệnh được định nghĩa là một tình trạng do kích hoạt phản ứng viêm hệ thống bởi một căn bệnh tiềm ẩn (bệnh lý ung thư). Phản ứng viêm này gây ra chứng chán ăn và suy thoái mô, do đó có thể dẫn đến giảm cân đáng kể, thay đổi thành phần cơ thể và giảm khả năng hoạt động.

Mục đích của can thiệp dinh dưỡng trong bệnh ung thư tập trung vào việc xác định mức độ và điều trị suy dinh dưỡng, duy trì hoặc cải thiện khối lượng cơ bắp, cũng như can thiệp giải quyết các rối loạn chuyển hóa ở những người bệnh này. 

Người bệnh ung thư có nhu cầu dinh dưỡng tương tự như người khỏe mạnh, khoảng 25-30 kcal/kg/ngày. Ví dụ, nhu cầu protein được ước tính là từ 1,2 đến 1,5 g/kg/ngày (giá trị này có thể thay đổi tùy theo chức năng thận, cũng như bất kỳ rối loạn chuyển hóa nào khác). Nhu cầu nước và khoáng chất nên được đánh giá, đặc biệt là trong một số trường hợp có liên quan đến rối loạn điện giải. Việc sử dụng liều cao vitamin và các nguyên tố vi lượng không được khuyến cáo, ngoại trừ các trường hợp thiếu hụt đã được xác định. Do đó người bệnh ung thư đang điều trị không cần kiêng khem quá nghiêm ngặt.

Dưới đây là 10 lời khuyên dinh dưỡng dành cho người bệnh ung thư:

1. Ăn, uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, đảm bảo giàu năng lượng và giàu đạm. Bổ sung thêm các sản phẩm giàu dinh dưỡng (sữa dinh dưỡng y học). Tuân thủ lời khuyên của thầy thuốc trong việc can thiệp dinh dưỡng: từ chế độ ăn hàng ngày tới đường các đường nuôi dưỡng khác (tĩnh mạch, đặt sonde dạ dày, mở thông dạ dày…).

2. Kiểm soát được lượng thức ăn mà người bệnh ăn vào/24h. 

3. Nên uống nước trước hoặc sau bữa ăn 30 phút (khoảng 2 lít/ngày) (40ml/kg/ngày). Tránh uống nước trong khi ăn vì điều này có thể làm giảm sự ngon miệng.

4. Không nên ăn, uống nhiều đồ có đường, nước ngọt, chất kích thích, đồ uống có ga. Hạn chế muối.

5. Thường xuyên thay đổi cách chế biến và màu sắc của thức ăn để tăng sự hấp dẫn. Tránh ngửi mùi thức ăn khi đang chế biến.

6. Giữ vệ sinh răng, miệng (nên đánh răng sau mỗi bữa ăn, trước khi đi ngủ và khi ngủ dậy).

7. Nếu không ăn được thức ăn thông thường thì chuyển sang chế độ ăn nhỏ, mềm, nhuyễn (cháo, súp...)

8. Khi người bệnh không ăn được hoặc ăn uống thông thường không đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng thì phải có các phương pháp hỗ trợ nuôi dưỡng hoặc nuôi dưỡng thay thế.

9. Mỗi người bệnh có thể trạng khác nhau, quá trình hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể hay tiêu hao năng lượng cũng khác nhau, đặc biệt là với người bệnh ung thư, do đó người bệnh ung thư nên đến gặp bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ dinh dưỡng để thiết lập cho mình chế độ ăn phù hợp, hiệu quả.

10. Loại bỏ ngay quan điểm sai lầm hiện tại đó là: Sử dụng các phương pháp chữa bệnh không chính thống, sử dụng những sản phẩm dinh dưỡng thiếu nguồn gốc, sản phẩm không phù hợp, cần hạn chế lượng chất dinh dưỡng nạp vào cơ thể… Tất cả quan điểm đó sẽ gây hại cho người bệnh. 

Một buổi tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh unh thư tại Trung tâm Ung bướu

Hiện nay, Trung tâm Ung bướu đã kết hợp với Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện tiến hành thảo luận về dinh dưỡng và can thiệp phù hợp tới từng người bệnh ung thư cụ thể ngoài những cuộc hội chẩn về phương pháp điều trị. Người bệnh ung thư và thân nhân nên tin tưởng đội ngũ cán bộ y tế và tuân thủ các lời khuyên, quyết định điều trị của họ để có kết quả điều trị cũng như chất lượng cuộc sống tốt hơn./.

                                                                                                                                                                                                                             PGS.TS. Trần Bảo Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu

BSCKII. Nguyễn Hải Yến - Phó trưởng phụ trách Khoa Dinh dưỡng

Học viên BSNT Ung thư K15 Trịnh Ánh Ngọc