Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên phẫu thuật điều trị Ung thư thực quản cho bệnh nhân.

Mới đây, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã triển khai thành công ca phẫu thuật điều trị Ung thư thực quản cho bệnh nhân Nguyễn Thanh T. (61 tuổi) ở xã Linh Sơn (Đồng Hỷ). Đây tiếp tục là một bước tiến mới của Bệnh viện trong điều trị bệnh Ung thư thực quản nói riêng và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn nói chung.

Bác sĩ Chuyên khoa II, Nguyễn Huy Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thông tin: Kế hoạch triển khai kỹ thuật phẫu thuật điều trị Ung thư thực quản đã được Ban giám đốc Bệnh viện phê duyệt và tiến hành từ 2 năm trước. Sau khi lên kế hoạch, Bệnh viện đã cử nhiều kíp bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên đi học tập dài hạn, ngắn hạn và tập huấn ở các bệnh viện đã triển khai thành công kỹ thuật này. Đến cuối tháng 11-2016, Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị như: Dàn máy phẫu thuật nội soi, dao siêu âm, dụng cụ máy khâu nối đường tiêu hóa… và các điều kiện cần thiết để triển khai phẫu thuật.

Bác sĩ Nguyễn Văn Chung, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa – Gan mật (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) chia sẻ: Vì là lần đầu tiên thực hiện phẫu thuật nên chúng tôi đã lựa chọn kỹ lưỡng từ 12 người bệnh bị Ung thư thực quản để tiến hành điều trị. Người được lựa chọn phải đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn về mức độ bệnh lý, điều kiện sức khỏe đảm bảo cho ca phẫu thuật kéo dài nhiều giờ.

Ngày 20-12-2016, dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), các bác sĩ Khoa Ngoại Tiêu hóa – Gan mật đã tiến hành phẫu thuật cắt thực quản nội soi, tạo hình thực quản bằng dạ dày cho bệnh nhân T. Ca mổ diễn ra trong 5 giờ với 2 giai đoạn chính: phẫu thuật nội soi giải phóng thực quản, vét hạch vùng và vét hạch di căn, phẫu tích u thực quản xâm lấn cắt đoạn thực quản có u, tạo hình thực quản bằng dạ dày, nối dạ dày - Thực quản hình Z bằng Stapler (khâu máy). Sau 20 ngày theo dõi, chăm sóc điều trị hậu phẫu, người bệnh đã có thể ăn được, sinh hoạt bình thường, thể trạng dần hồi phục. Đến ngày 9-1-2017, sau khi được xét nghiệm, đánh giá toàn diện về tình trạng sức khỏe, bệnh nhân T đã được xuất viện.

Nói về thành công của lần điều trị này, anh T xúc động: Khi đi khám, xét nghiệm và biết tin bị Ung thư thực quản, tôi và gia đình đã hoàn toàn suy sụp. Tôi thậm chí đã định từ bỏ điều trị. Tuy nhiên, được sự động viên và tư vấn của các bác sĩ, tôi đã đồng ý tham gia phẫu thuật điều trị Ung thư thực quản. Kết quả mang lại thực sự cao hơn mong đợi rất nhiều, hiện nay, tình trạng sức khỏe của tôi đã ổn định, có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường. Sau phẫu thuật, tuy vẫn cần phải tiếp tục điều trị nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng cũng như y đức của các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Được biết, Ung thư thực quản là loại bệnh lý ác tính có tiên lượng bệnh xấu và đứng hàng thứ tư sau các Ung thư tiêu hóa là Ung thư dạ dày, Ung thư gan và Ung thư đại trực tràng về mức độ phổ biến tại Việt Nam. Phẫu thuật là biện pháp điều trị có tính chất triệt căn nhất. Trước đây, phẫu thuật cắt thực quản điều trị bệnh lý Ung thư thực quản chủ yếu bằng phương pháp mổ mở truyền thống gây nên nhiều biến chứng nặng nề. Tuy nhiên, những năm gần đây, các Trung tâm ngoại khoa lớn như: Bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y - Dược Thành phố Hồ Chí Minh…. đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật điều trị Ung thư thực quản với tỷ lệ tử vong và biến chứng sau mổ ngày càng giảm.

Tại Thái Nguyên và các tỉnh vùng Trung du phía Bắc, phẫu thuật điều trị Ung thư thực quản chưa được triển khai. Với sự thành công của ca phẫu thuật điều trị Ung thư dạ dày đầu tiên đã mở ra cơ hội điều trị cho bệnh nhân trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cân, giúp người bệnh dễ dàng tiếp cận quy trình điều trị hơn. Sau thành công của ca phẫu thuật Ung thư thực quản đầu tiên, Khoa Ngoại Tiêu hóa - Gan mật đang tiếp tục rà soát, thu nhận, lựa chọn bệnh nhân có đủ tiêu chuẩn để triển khai phẫu thuật. Từ đó, hướng tới mục tiêu đưa phẫu thuật điều trị Ung thư thực quản thành kỹ thuật thường quy trong Bệnh viện, góp phần điều trị các trường hợp Ung thư thực quản trên địa bàn, hạn chế bệnh nhân phải chuyển xuống các bệnh viện tại Hà Nội.

Tuy nhiên, theo Bác sĩ Nguyễn Văn Chung, Ung thư thực quản là bệnh khó chữa, phẫu thuật là phương pháp quan trọng nhất nhưng lại khá phức tạp, để lại nhiều biến chứng. Việc chỉ định phẫu thuật và tiên lượng phẫu thuật phụ thuộc rất lớn vào việc phát hiện giai đoạn bệnh và vị trí u thực quản. Các phương pháp khác như hóa trị, xạ trị chỉ có vai trò hỗ trợ trong điều trị Ung thư thực quản. Kết quả điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và phẫu thuật chỉ cho kết quả tốt ở giai đoạn sớm. Vì vậy, việc phát hiện ra Ung thư thực quản sớm sẽ giúp khả năng có thể điều trị khỏi bệnh tăng lên. Nếu phát hiện có những biểu hiện triệu chứng như: Nuốt nghẹn thường xuyên, khó nuốt, gầy sút nhanh… người bệnh cần đến các bệnh viện chuyên khoa để khám và có chỉ định điều trị kịp thời.