Đi săn chim trong rừng, súng tự chế bất ngờ cướp cò, viên đạn bắn vào cây bật ngược trở lại chui vào tai phải gây chảy nhiều máu, choáng váng. Sau thời gian cấp cứu kịp thời và gần 2 tiếng phẫu thuật, bệnh nhân Trần Văn Điện, 48 tuổi đến từ xã Bảo Linh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã được các bác sỹ Khoa Tai - Mũi - Họng (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) gắp bỏ thành công dị vật là đạn chì bên trong tai phải. Chia sẻ với chúng tôi, bệnh nhân Điện cho hay: Được các bác sỹ của Khoa tận tình chăm sóc, cứu chữa, theo dõi vết mổ hàng ngày, hiện sức khỏe của tôi đã dần hồi phục.  

Viên đạn ghém (màu bạc) trước khi được lấy ra khỏi tai

BSCKII. Vũ Quang Huy, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng cho biết: Đây là trường hợp hy hữu của Khoa. Bệnh nhân bị đạn ghém xiên từ thành trước ra thành sau ống tai, nằm trong vùng tam giác nguy hiểm bao gồm: phía trên là màng não, phía trước là tường dây thần kinh số 7 và phía sau là tĩnh mạch lớn. Bệnh nhân rất may mắn khi viên đạn nằm giữa tam giác nên không quá nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên trong quá trình phẫu thuật, toàn bộ kíp mổ vẫn phải làm việc tập trung cao độ, thận trọng trong từng thao tác vì nếu không may chạm phải 3 vùng nguy hiểm dù chỉ là một mi-li-mét sẽ gây nguy hiểm cho bệnh nhân. 

Ths.Bs Nguyễn Thị Phương Thúy, Khoa Tai - Mũi - Họng thăm khám bệnh nhân Điện sau mổ

Ths.Bs Nguyễn Thị Phương Thúy, Khoa Tai - Mũi - Họng, thành viên kíp mổ cho biết thêm: Trong quá trình phẫu thuật, toàn bộ vùng xương chũm của tai đã bị viêm nhiễm hoàn toàn, kíp mổ phải áp dụng kỹ thuật mở sào bào ( kỹ thuật dùng khoan mở rộng thành ống tai để quan sát hòm nhĩ rõ ràng nhất), lấy hết các tổ chức viêm, gắp đạn và những mảnh vụn ra khỏi tai bệnh nhân. Qua sự việc hy hữu này, chúng tôi khuyến cáo tới người dân không nên tự ý sử dụng các loại vũ khí nguy hiểm nói chung, súng hơi tự chế nói riêng khi không được sự cho phép, thẩm định của các cơ quan chuyên môn.