Ngày 05/8, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tổ chức buổi sinh hoạt khoa học trực tuyến chuyên ngành Ngoại khoa với chủ đề “Điện quang can thiệp kiểm soát đau”. PGS.TS. Dương Hồng Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến dự và chủ trì. Buổi sinh hoạt được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 12 điểm cầu tại các Bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện của: Thái Nguyên, Yên Bái, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh và Thanh Hóa.
PGS.TS. Dương Hồng Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo phát biểu tại buổi sinh hoạt khoa học trực tuyến
Điện quang can thiệp là kỹ thuật điều trị can thiệp tối thiểu trong nhiều bệnh lý khác nhau bao gồm các bệnh lý liên quan đến mạch máu và các bệnh lý ngoài mạch máu, các kỹ thuật điện quang can thiệp được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như: siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ và đặc biệt là chụp mạch số hóa xóa nền (DSA). Ưu điểm vượt trội của các kỹ thuật điện quang can thiệp là xâm lấn tối thiếu, với thời gian nằm viện và thời gian tái hòa nhập lại cuộc sống bình thường ngắn, nhờ đó giảm được gánh nặng chi phí cho gia đình và xã hội.
Buổi sinh hoạt được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 12 điểm cầu
Theo TS. Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Trung tâm chẩn đoán hình ảnh và can thiệp, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Trong những năm qua, với vai trò là bệnh viện hạng I, trung tâm y tế vùng chuyên sâu khu vực nay là bệnh viện hạng đặc biệt, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiếp cận, triển khai làm chủ được nhiều kỹ thuật tiên tiến nhằm giảm thiểu thời gian can thiệp của các ca phẫu thuật, cải thiện chất lượng khám và điều trị cho người bệnh, nổi bật trong kỹ thuật điện quang can thiệp kiểm soát đau đối với các bệnh lý như: Bệnh lý cơ xương khớp; bệnh lý cột sống; bệnh lý thần kinh ngoại vi; đau sau chấn thương, sau phẫu thuật và sau thủ thuật; đau trong phức hợp đau vùng (CRPS) và đặc biệt là giảm đau trong Ung thư. Bệnh nhân Ung thư ngoài phải chịu đựng những tác động từ khối u, còn phải chịu đựng đau ở các mức độ khác nhau, kiểm soát đau có vai trò quan trọng trong duy trì chất lượng cuộc sống ở những bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn, điều trị giảm nhẹ.
Tại buổi sinh hoạt, TS. Nguyễn Trường Giang đã trao đổi, chia sẻ về kỹ thuật điện quang can thiệp giảm đau đối với người bệnh Ung thư như: các phương pháp kiểm soát đau, đường tiếp cận vị trí can thiệp, phương tiện hướng dẫn (C-arm/DSA, siêu âm, cắt lớp vi tính), can thiệp giảm đau ung thư tạng trong ổ bụng; kiểm soát đau trong ung thư xâm lấn/di căn thành ngực, biến chứng và kiểm soát biến chứng…
Buổi sinh hoạt trực tuyến là dịp để các y, bác sĩ cập nhật kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau định hướng phát triển kĩ thuật điện quang can thiệp kiểm soát đau với người bệnh Ung thư nói riêng và với người bệnh mắc các bệnh lý khác nói chung.