Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Một virus được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”. Bệnh ảnh hưởng lớn đến hoạt động của gan, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Hiện nay, virus viêm gan B vẫn là mối đe dọa lớn đến sức khỏe toàn cầu. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 400 triệu người trên thế giới mắc viêm gan B mạn tính. Ở Việt Nam hiện nay số người nhiễm virus viêm gan B chiếm khoảng 20% dân số.

1. Nguyên nhân.

Viêm gan B do virus HBV (Hepatitis B Virus) gây ra. Sau khi lây nhiễm vào cơ thể virus có thời kì ủ bệnh từ 30 -180 ngày, sau đó virus bắt đầu hoạt động và gây Viêm gan B cấp tính. Nếu sau 6 tháng, cơ thể người bệnh không thể tự miễn dịch được với virus, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính và nhiễm vi rút HBV suốt đời. Sau đây là một số con đường lây truyền Viêm gan B chủ yếu:  

 Truyền từ mẹ sang con: Đa số xảy ra trong thời kỳ chu sinh hay những tháng đầu sau sinh, không lây nhiễm qua nhau thai, đây là một cách thức lây nhiễm phổ biến và quan trọng nhất. Mức độ lây nhiễm tùy thuộc vào nồng độ virus viêm gan B (HBV DNA) và tình trạng HBeAg của mẹ vào 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu mẹ có nồng độ HBV cao và HBeAg (+) thì khả năng lây truyền cho con càng cao. 

 Truyền qua đường tình dục:

Virus HBV-DNA có trong tinh dịch của nam giới hoặc trong dịch tiết âm đạo của nữ giới có thể gây lây nhiễm cho đối phương qua các vết xước nhỏ trong quá trình quan hệ tình dục. Chính vì vậy không nên quan hệ tình dục bừa bãi, cần sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục, không quan hệ tình dục bằng miệng hay sử dụng các dụng cụ tình dục không được vệ sinh sạch sẽ.

 Truyền qua đường máu và các chế phẩm từ máu bị nhiễm virus

Các sự cố y tế như truyền máu có chứa virus viêm gan B, sử dụng các dụng cụ y tế không được vệ sinh, tiệt trùng, có chứa virus gây bệnh. Dùng chung bơm kim tiêm, các vật dụng cá nhân như: Dao cạo râu, bàn chải đánh răng...Sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ, làm nail, xăm hình...trong khi các dụng cụ, máy móc thực hiện không đảm bảo vệ sinh và có chứa virus gây bệnh.

2. Triệu chứng.

Giai đoạn cấp tính: Bệnh nhân có thể biểu hiện các triệu chứng như: sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, đau vùng gan, nổi mề đay, phát ban, viêm khớp. Sau đó có thể diễn tiến đến vàng da, vàng mắt, gan to gây đau... nếu bệnh diễn tiến nặng có thể dẫn đến suy gan cấp với biểu hiện: rối loạn đông máu (xuất huyết da niêm mạc, xuất huyết tiêu hóa, hôn mê). Thông thường các triệu chứng sẽ giảm dần trong 1-2 tháng. Một số bệnh nhân có thể bị vàng da kéo dài nhưng không quá 6 tháng.

Giai đoạn mạn tính: Thường không có triệu chứng lâm sàng rõ rệt, bệnh nhân có thể có các biểu hiện: mệt mỏi, ăn uống kém, vàng da nhẹ... hoặc không biểu hiện triệu chứng. Nhưng sau nhiều năm bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng của xơ gan: phù chân, báng bụng, xuất huyết da niêm mạc bất thường... hoặc diễn tiến thành ung thư gan.

3. Điều trị.

Giai đoạn cấp tính: Viêm gan B cấp tính thường không cần điều trị thuốc kháng virus. 90% bệnh nhân sau giai đoạn nhiễm trùng cấp tính sẽ tự khỏi bệnh mà không cần phải dùng thuốc điều trị. Bác sĩ thường khuyên bạn nên nghỉ ngơi, dinh dưỡng hợp lý . 

Trong trường hợp nghiêm trọng, các thuốc kháng virus  là cần thiết để ngăn ngừa các biến chứng.

Giai đoạn mạn tính: Mục đích điều trị giai đoạn này là làm giảm nguy cơ tiến triển của bệnh như xơ gan, ung thư gan và ngăn chặn khả năng lây lan cho người khác. Các phương pháp điều trị bao gồm:

Sử dụng thuốc kháng virus ức chế sự nhân lên của virus viêm gan B và làm chậm khả năng gây tổn thương cho gan của virus. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa, để tránh tình trạng kháng thuốc phải thay đổi phác đồ điều trị rất tốn kém và phức tạp. Đồng thời, không tự ý mua thuốc hoặc nghe theo lời truyền miệng, dùng các bài thuốc dân gian, thuốc Đông Y chưa được kiểm chứng.

Ghép gan: Trường hợp gan đã bị hủy hoại quá nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phương pháp này để cắt bỏ phần gan bị hủy hoại và thay bằng gan khỏe mạnh của người hiến tặng.

4. Phòng bệnh.

Để phòng ngừa bệnh, bạn nên: Luôn sinh hoạt tình dục an toàn, dùng bao cao su khi quan hệ tình dục. Chủng ngừa viêm gan B cho bản thân và những người thân trong gia đình. Không dùng chung bàn chải, dao cạo râu, hoặc dụng cụ có thể đã tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của người khác. Băng ngay các vết thương tránh tiếp xúc với máu của người khác. Không chạm vào máu hoặc dịch tiết của bất kỳ người nào mà không dùng dụng cụ bảo hộ.

Hiện nay, cách phòng ngừa viêm gan B tốt nhất là tiêm phòng vacxin viêm gan B đầy đủ và sớm nhất:

Với trẻ sơ sinh có mẹ không bị viêm gan B tốt nhất nên tiêm vacxin trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Sau đó tiếp tục thực hiện lịch tiêm vắc xin viêm gan B những tháng tiếp theo theo lịch .
Với trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm viêm gan B, ngoài một mũi vacxin ngừa viêm gan B thông thường, bé cần được tiêm huyết thanh kháng virus viêm gan B càng sớm càng tốt, trong vòng 24h đấu sau sinh.
Thanh thiếu niên và người lớn, nếu xét nghiệm thấy cơ thể chưa nhiễm viêm gan B, chưa có kháng thể kháng virus viêm gan B thì cần tiêm phòng ngay để bảo vệ cho bản thân .
Hiện tại , tại phòng khám Bệnh Nhiệt Đới và trung tâm tiêm chủng vắc xin Bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên, đã quản lí cấp thuốc ngoại trú viêm gan B cho người bệnh viêm gan virus B mãn tính và có huyết thanh kháng virus  Viêm gan B, viêm gan B tiêm phòng bệnh.
 Tham khảo nguồn:Tổ chức y tế Thế giới who