ĐỘC TÍNH TRÊN MẮT KHI DÙNG AMIODARON

ThS. Hoàng Thị Thu Hương

        Amiodaron là thuốc chống loạn nhịp nhóm III, được dùng trong điều trị nhiều rối loạn nhịp tim khác nhau. Amiodaron gây độc trên mắt ở nhiều mức độ, chủ yếu là gây cặn lắng giác mạc và quầng màu quanh vùng sáng, hiếm khi gây bệnh lý thần kinh thị giác. Amiodaron thường được dùng điều trị dài ngày cho nhiều thể loạn nhịp tim với mức liều 200-400 mg/ngày. Thuốc thân lipid, có thể thấm vào nhiều mô trong cơ thể và có thời gian bán thải dài lên tới 40-55 ngày.

        Lắng cặn giác mạc hay bệnh lý giác mạcdo sử dụng amiodaron phụ thuộc vào liều và thời gian, xảy ra ở 69%-100% bệnh nhân dùng thuốc. Bệnh giác mạc do amiodaron xảy ra theo 3 giai đoạn, xuất hiện sau ít nhất 1 tháng điều trị bằng thuốc. Trong giai đoạn đầu, có sự xuất hiện dải băng ngang trên giác mạc với bệnh nhân dùng liều 200-400 mg. Liều cao hơn có thể gây tác dụng ở giai đoạn 2 và 3, được đặc trưng bởi những vết như mèo cào và xoắn vòng trên giác mạc. Sự hình thành chất cặn lắng có thể do các phức hợp không được chuyển hóa của thuốc với phospholipid. Các cặn lắng thường xảy ra ở ngoại vi và không ảnh hưởng nhiều đến thị giác; Tuy nhiên có thể tạo ra quầng màu quanh vùng sáng. Sau khi ngừng amiodaron, các mảng cặn lắng này sẽ biến mất sau khoảng 3-20 tháng.

        Bệnh lý về thần kinh thị giác ít xảy ra hơn (<2%) khi dùng amiodaron, nhưng có thể nghiêm trọng dẫn đến mất thị lực. Bệnh thần kinh thị giác liên quan đến amiodaron khởi phát từ từ với diễn biến chậm có thể dẫn đến mất thị giác hai bên và sưng đĩa thị. Mặc dù chưa được chứng minh, nguyên nhân của bệnh có thể do sự tích lũy các chất trong sợi trục thần kinh thị giác. Nếu nghi ngờ có bệnh lý thần kinh thị giác, ngừng dùng amiodaron (nếu có thể), do thuốc có khả năng gây mất thị lực vĩnh viễn.

         Amiodaron cũng gây ra kích ứng mi mắt, nang mi mắt và khô mắt. Do tần suất xuất hiện độc tính trên mắt cao, bệnh nhân phải được kiểm tra mắt trước khi bắt đầu dùng amiodaron, kiểm tra 6 tháng/lần trong năm đầu tiên và 12 tháng/lần sau đó.

(Nguồn:  Bản tin Cảnh giác Dược số 3/2016-Trung tâm DI&ADR Quốc Gia).

 

TƯƠNG TÁC NGHIÊM TRỌNG GIỮA ALOPURINOL
VÀ MERCAPTOPURIN, AZATHIOPRIN

ThS. Hoàng Thị Thu Hương, Ds.Đoàn Thị Khánh Linh

            Ở bệnh nhân ung thư, việc phối hợp hóa trị liệu với nhiều loại thuốc hỗ trợ trong quá trình điều trị dẫn đến nguy cơ cao xảy ra tương tác thuốc. Tuy nhiên, một số bệnh nhân vẫn bắt buộc phối hợp thuốc để dự phòng các biến chứng nặng, đe dọa tính mạng trong quá trình điều trị. Trong đó, sử dụng đồng thời mercaptopurin với alopurinol là một ví dụ điển hình. Cặp phối hợp này giúp ngăn ngừa tình trạng tăng acid uric máu trong hội chứng ly giải khối u, nhưng mặt khác có thể làm gia tăng độc tính suy tủy.

            Cơ chế

           Azathioprin là dẫn chất imidazol của mercaptopurin cũng có nguy cơ tương tác thuốc tương tự, do trong cơ thể azathioprin được chuyển hóa thành mercaptopurin tại gan. Tại gan và biểu mô niêm mạc ruột, mercaptopurin bị oxy hóa bởi xanthin oxidase thành dẫn chất không có hoạt tính (6-thiouric acid) và bị thải trừ. Alopurinol ức chế chuyển hóa bước một thông qua xanthin oxydase, làm tích lũy mercaptopurin và tăng nồng độ cũng như độc tính của thuốc này [2].

           Nghiên cứu lâm sàng

          Trong một nghiên cứu, tình trạng giảm toàn thể huyết cầu đã xảy ra ở 3 trong số 13 trẻ sử dụng mercaptopurin liều 2,5 mg/kg/ngày đồng thời với alopurinol ở liều 10mg/kg/ngày. Tuy nhiên, khi liều mercaptopurin giảm đi một nửa, độc tính đã không xuất hiện ở 9 trẻ còn lại. Y văn cũng đã ghi nhận một số báo cáo ca bệnh có xuất hiện suy tủy khi sử dụng đồng thời azathioprin và alopurinol [2].

            Trong năm 2014, một nghiên cứu được tiến hành trên bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu tủy tại khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, có sử dụng mercaptopurin trong khoảng thời gian từ tháng 3/2014 đến tháng 5/2014. Bệnh nhân được phân thành hai nhóm: chỉ sử dụng mercaptopurin đơn độc (49 bệnh nhân) và sử dụng đồng thời mercaptopurin – alopurinol (22 bệnh nhân). Nghiên cứu này cũng đã ghi nhận được sự khác biệt về thời gian tiềm tàng và tần suất xuất hiện biến cố giữa hai nhóm [1].

            Khuyến cáo cho cán bộ y tế

            Tương tác giữa alopurinol và mercaptopurin/azathiopurin là tương tác thuốc nghiêm trọng và đã được ghi nhận trong y văn.

           Tránh phối hợp hai thuốc này. Trường hợp bắt buộc phối hợp, nên giảm liều mercaptopurin xuống còn 25% - 33% so với liều thường dùng và hiệu chỉnh liều sau đó tùy theo đáp ứng của người bệnh và sự xuất hiện biến cố bất lợi [2], [3].

           Giám sát chặt chẽ các chỉ số huyết học hàng tuần trong 3 tháng đầu tiên sử dụng phác đồ phối hợp 2 thuốc và xét nghiệm định kỳ hàng tháng sau đó để có biện pháp xử trí kịp thời [4].


(Nguồn: 1. Nguyễn Duy Tân, Nguyễn Mai Hoa, Nguyễn Hoàng Anh (2015), "Đánh giá tương tác bất lợi trên bệnh án nội trú điều trị ung thư máu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương", Tạp chí Dược học, số 12, tr 2-7.

2.Karen Baxter, “Stockley’s drug interactions”,

Via https://www.medicinescomplete.com/, accessed on 11th March 2016

3. Truven Health Analytics, Micromedex 2.0, https://www.micromedexsolutions.com/, accessed on 11th March 2016.

4.Medsafe (1998).“Azathioprine-Allopurinol Interaction: Danger!”.Prescriber Update. 17:16-17)