Trong tháng 7 và tháng 8 năm 2023, số bệnh nhân bị bệnh viêm kết mạc cấp đến khám tại phòng khám Mắt Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tăng rõ rệt; dấu hiệu, triệu chứng, tổn thương nặng như: Viêm giác mạc sâu, phù nề xuất huyết có giả mạc, phản ứng viêm mống mắt thể mi. Bệnh này gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt với trẻ em thường kèm theo sốt, ho, viêm mũi họng...

Viêm kết mạc cấp, dân gian gọi là bệnh đau mắt đỏ, là một bệnh mắt rất thường gặp, tuy nhiên còn nhiều người chưa có hiểu biết về bệnh. Điều đó dẫn đến những sai lầm trong cách phòng tránh và điều trị bệnh

Bệnh đau mắt đỏ là gì?

Kết mạc là lớp màng mỏng bao phủ mặt trong mi mắt và phần lòng trắng của nhãn cầu. Đau mắt đỏ là tình trạng viêm cấp tính của kết mạc do virus Adeno gây ra. Bệnh thường xảy ra khi thời tiết thay đổi, đặc biệt vào cuối hè – đầu thu. Bệnh có khả năng lây lan mạnh nên có thể tạo thành dịch. Nhìn chung đau mắt đỏ là một bệnh lành tính, ít khi gây giảm thị lực tuy nhiên lại gây khó chịu và ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và cuộc sống của bệnh nhân. Một số trường hợp không điều trị đúng cách có thể để lại di chứng đáng tiếc cho đôi mắt

Các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ

Triệu chứng của đau mắt đỏ khá điển hình. Khởi đầu, bệnh nhân thường cảm thấy mắt hơi ngứa, cộm hoặc khó chịu nhẹ sau đó các triệu chứng của bệnh dần xuất hiện.

- Đỏ mắt là triệu chứng nổi bật nhất. Thông thường phần kết mạc (lòng trắng) của mắt sẽ đỏ nhẹ trong 2-3 ngày sau đỏ nặng lên rõ rệt.

-  Mi sưng nề tùy theo mức độ viêm. Một số trường hợp mi sưng nề nhiều đến mức bệnh nhân không thể tự mở mắt.

- Nhiều dử mắt: Chất tiết này bám vào lông mi, khi khô sẽ làm hai mi dính chặt vào nhau làm bệnh nhân rất khó mở mắt khi ngủ dậy.

- Chảy nước mắt: do phản ứng viêm kích thích tiết nhiều nước mắt khiến bệnh nhân phải lau liên tục. Đôi khi mắt chảy dịch hồng do có ít máu hòa với nước mắt. Khi đó rất có thể mắt có giả mạc cần phải bóc đi để thuốc tra có thể ngấm vào mắt tốt hơn.

- Nhìn mờ: nhìn lóa, chói, chảy nước mắt sợ ánh sáng, lúc này có thể đã có biến chứng như viêm giác mạc, viêm mống mắt...

                         

Ảnh minh họa viêm kết mạc cấp

                   Ảnh minh họa viêm giác mạc, sẹo giác mạc

Bệnh đau mắt đỏ có thể gây biến chứng gì?

Đau mắt đỏ là bệnh lành tính nhưng nếu không được điều trị đúng cách có thể gây biến chứng cho đôi mắt như:

- Xuất huyết kết mạc, có giả mạc: Đây là một dẫu hiệu triệu chứng hay gặp ở bệnh nhân viêm kết mạc cấp. Biểu hiện mi sưng nề, phù mi và kết mạc, có thể có tím vùng quanh mi mắt, xuất huyết ở kết mạc, có thể có màng trắng đục dính và che phủ một hần hay toàn bộ kết mạc mi. Làm cho bệnh nhân thấy cộm mắt nhiều hơn và nước mắt chảy ra có màu hồng.

- Viêm giác mạc:

Đây là biến chứng khá thường gặp, các triệu chứng sẽ nặng nề hơn khiến bệnh nhân khó chịu và thời gian điều trị cũng kéo dài. Một số trường hợp virus ký sinh lại trong giác mạc gây ra nhiều đợt viêm giác mạc tái phát sau này.

- Loét giác mạc: Đau mắt đỏ có thể làm tổn thương lớp biểu mô bảo vệ của giác mạc do đó nếu bội nhiễm vi khuẩn hay nấm sẽ gây loét giác mạc. Đây là một biến chứng vô cùng nặng nề làm giảm thị lực trầm trọng. Để phòng tránh biến chứng này cần giữ vệ sinh mắt sạch sẽ, rửa mắt bằng nước muối sinh lý, không tự ý mua các thuốc chống viêm chứa corticoids để tra mắt.

- Sẹo giác mạc: Quá trình viêm giác mạc, có giả mạc kết mạc. Sau điều trị bệnh ổn định có thể để lại các vết sẹo trên giác mạc.

Điều trị viêm kết mạc cấp như thế nào?

Đỏ mắt là triệu chứng gặp trong nhiều bệnh mắt như viêm màng bồ đào, loét giác mạc, viêm mủ nội nhãn,… Đây đều là những bệnh nguy hiểm cần được chẩn đoán và điều trị sớm. Do đó khi bị đỏ mắt không nên chủ quan mà hãy đến khám ngay bác sĩ chuyên khoa mắt.

Viêm kết mạc, dân gian còn gọi là dau mắt đỏ, là bệnh do virus gây nên. Kháng sinh chỉ diệt được vi khuẩn, không diệt được virus. Kháng sinh tra tại mắt có thể được sử dụng để dự phòng bội nhiễm vi khuẩn. Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho virus nên điều trị chủ yếu là làm dịu triệu chứng, đề phòng biến chứng và chờ đợi virus tự đào thải. Toàn bộ quá trình virus phát bệnh đến khi đào thải diễn ra trong khoảng 2 tuần. Do đó thời gian điều trị đau mắt đỏ thường kéo dài từ 2-3 tuần.

Cần chú ý là tuyệt đối không được tự điều trị đau mắt đỏ bằng các kinh nghiệm dân gian như: xông mắt với lá trầu không,…; 

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Để chủ động phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ.

Để phòng tránh lây lan, bệnh nhân đau mắt đỏ cần:

- Hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay.

- Nếu mắt chảy nhiều nước mắt, có nhiều ghèn rỉ mắt thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (sử dụng 1 lần) để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh, sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt.

- Không sử dụng kính áp tròng khi đang bị viêm kết mạc.

- Sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như đồ ăn-uống, chậu-khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ.

- Đeo khẩu trang khi có các triệu chứng ho, hắt hơi...

- Vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt, vui chơi của trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt.

- Hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người.

- Đặc biệt khi trẻ có các triệu chứng bệnh như đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều rỉ ghèn cần cho đến các cơ sở khám mắt để được điều trị và xử lý biến chứng kịp thời./.