Ghép thận đã trở thành kỹ thuật thường quy tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên
Đã 58 năm trôi qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, nhưng những lời dặn dò của Bác vẫn được các thế hệ cán bộ của Bệnh viện khắc ghi và gìn giữ. Thực hiện lời dạy của Người, các nhân viên y tế Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã luôn gắn bó với nghề, rèn luyện đạo đức, nâng cao y thuật, dốc lòng điều trị cho người bệnh.
Đúng vào ngày 13-3 của 58 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Bệnh viện Khu tự trị Việt Bắc (nay là Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên). Tại đây, Bác không vào Hội trường mà đi thẳng đến khoa Nhi thăm từng cháu nhỏ bị bệnh, ân cần hỏi han sức khỏe các cháu. Bác căn dặn cán bộ trong Khoa: “Phải chăm lo chữa bệnh cho các cháu chóng béo khỏe”. Khi tới thăm các bệnh nhân khoa Ngoại, Bác dừng chân rất lâu để động viên một bệnh nhân bị bỏng nặng. Rồi Bác lần lượt hỏi thăm, động viện, khích lệ các cán bộ y tế trong Bệnh viện, từ các bác sĩ, điều dưỡng, y tá đến nhân viên nấu ăn… Sự giản dị và sự quan tâm của Người như một luồng sinh khí mới tiếp thêm sinh lực cho Bệnh viện trong giai đoạn chồng chất khó khăn vì vừa phải thực hiện nhiệm vụ kiến quốc, vừa tham gia kháng chiến.
Thực hiện lợi dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn nửa thể kỷ qua, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên với vị trí là bệnh viện đa khoa tuyến đầu của tỉnh Thái Nguyên và khu vực miền núi phía Bắc đã không ngừng phát triển, phục vụ tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bệnh viện Khu tự trị Việt Bắc xưa nay đã trở thành bệnh viện hạng I tuyến Trung ương với quy mô hơn 1.500 giường bệnh, 5 trung tâm, 27 khoa lâm sàng, 9 hhoa cận lâm sàng và 9 phòng, ban chức năng. Để phục vụ chiến lược phát triển lâu dài, Bệnh viện đã xây dựng được một nguồn nhân lực hùng hậu với nhiều phó giáo sư, tiến sĩ cùng đội ngũ thạc sĩ, bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư luôn được cập nhật kiến thức mới nhất thông qua các khóa đào tạo trong và ngoài nước. Đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên có trình độ cao và giàu kinh nghiệm.
Không chỉ ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật mới ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến trong nước và quốc tế trong khám, chữa bệnh mà còn tích cực hỗ trợ, đào tạo cho các cơ sở y tế tuyến dưới. Nhờ vậy, nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo được cứu sống, nhiều công trình nghiên cứu khoa học về chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, khám, chữa bệnh tim mạch, ung bướu, truyền nhiễm, hồi sức, cấp cứu, chống độc, phòng, chống dịch bệnh… đã được triển khai và ứng dụng vào thực tiễn.
Thầy thuốc nhân dân, Bác sĩ chuyên Khoa II Nguyễn Huy Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Phát huy truyền thống đã có, Bệnh viện đã tập trung triển khai Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với 3 khâu chính: Đăng ký cá nhân học tập và làm theo Bác; giám sát, kiểm tra, đánh giá cụ thể, thường xuyên và nêu gương nhân rộng việc làm tốt, tấm gương điển hình trong đơn vị. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện Cuộc vận động, Bệnh viện coi trọng nhất khâu nâng cao chuyên môn công tác. Chuyên môn ở đây không chỉ là trình độ của cán bộ y tế, triển khai các kỹ thuật mới mà còn ở thái độ phục vụ người bệnh, hướng dẫn bệnh nhân tận tình, chu đáo. Trong đó, các khoa, phòng trong bệnh viện đã có nhiều cách làm sáng tạo phù hợp với điều kiện chuyên môn như: đến sớm 15 phút trước giờ làm việc, tiết kiệm sử dụng điện thoại bàn cơ quan, đi buồng đội hai lần/ngày, tiếp xúc và đối thoại với nhân dân khi có phản ánh, tiếp nhận và xử lý kiến nghị về thái độ và chuyên môn…
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và 12 điều y đức của ngành Y tế đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nâng cao y đức và chất lượng khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bác sĩ Nguyễn Quang Mạnh, Khoa Nội – Tim mạch, một trong những bác sĩ trẻ nhất của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Là một bác sĩ trẻ, tôi luôn nhìn vào tấm gương của các thầy cô, anh chị đi trước để rèn luyện mình vững vàng về chuyên môn, y đức. Đồng thời với vai trò là một người trẻ, tôi luôn ý thức được trách nhiệm, tinh thần nhiệt huyết, tin tưởng vào bản thân và luôn không ngừng học tập, dám thực hiện những kỹ thuật mới trong điều trị cho người bệnh.
Với những nỗ lực của toàn bộ đội ngũ cán bộ y tế, những năm qua, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã xử lý thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Bệnh viện đã thực hiện ghép thận thành công cho 17 cặp bệnh nhân, thực hiện được nhiều kỹ thuật khó như mổ rim hở, mổ tim kín, điều trị ngồi máu não cấp bằng thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, đặt stent động mạch vành, thay khớp háng, thay khớp gối… Mỗi năm, Bệnh viện thu hút trên 300.000 bệnh nhân đến khám, tỷ lệ bệnh nhân nội trú đạt trên 1.000 người/ngày. Đặc biệt, Bệnh viện luôn nhận được sự tin yêu của người bệnh. Ông Trần Đình Chiến, ở phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Năm nay tôi đã 64 tuổi và đã có gần một đời người khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Đặc biệt, 6 năm gần đây tôi bị bệnh huyết áp rồi biến chứng tim mạch, mỗi năm phải nhập viện 7-8 lần. Ở đây, tôi luôn nhận được sử chăm sóc tận tình, giúp đỡ hết mình của các bác sĩ và nhân viên Bệnh viện. Tôi rất xúc động trước sự tâm lý, tấm lòng sẻ chia của các bác sĩ với những người mắc bệnh mãn tính như chúng tôi. Còn anh Lưu Đình Dương, bố bệnh nhân Lưu Đình Duy ở xóm Thanh Phong bộc bạch: Sau khi tìm hiểu nhiều nơi, kể cả các bệnh viện hàng đầu ở Hà Nội tôi quyết định thực hiện ghép thận cho con trai tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vì chi phí rẻ, chất lượng tốt và nhất là sự tận tâm của các bác sĩ. Các bác sĩ đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều từ tư vấn bệnh, hướng dẫn làm thủ tục, xét nghiệm. Đồng thời luôn động viên cha con tôi cố gắng vượt qua khó khăn, giữ gìn sức khỏe để làm phẫu thuật.
“Người bệnh đến tiếp đón niềm nở, người bệnh ở chăm sóc tận tình, người bệnh về dặn dò chu đáo” là việc làm thường xuyên của các cán bộ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và đó cũng được xem như trách nhiệm, tình cảm của họ với người bệnh. Đây cũng chính là cách các cán bộ y tế ở đây thực hiện lời dặn dò của bác với cán bộ y tế “Lương y phải như từ mẫu”.