Thầy thuốc Ưu tú, PGS.TS NGUYỄN CÔNG HOÀNG, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên - đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: Năng lực sức khỏe có tác dụng bảo vệ sức khỏe và chất lượng cuộc sống của những người có triệu chứng nghi nhiễm trong đại dịch Covid-19. Ông khuyến cáo người dân tăng cường các hành vi học tập suốt đời như xem các chương trình liên quan đến sức khỏe, đọc các trang web chính thức để cải thiện năng lực về sức khỏe cá nhân, qua đó góp phần ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm.
64% người có dấu hiệu trầm cảm liên quan tới có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19

- Vì sao nhóm nghiên cứu chọn đề tài về vai trò của năng lực sức khỏe đối với sức khỏe tâm thần và chất lượng cuộc sống liên quan đại dịch Covid-19, thưa ông?

­- Trước tiên, phải khẳng định rằng, tính đến thời điểm này, đây là công trình nghiên cứu đầu tiên về vai trò của năng lực sức khỏe (Health Literacy) đối với sức khỏe tâm thần và chất lượng cuộc sống liên quan tới đại dịch Covid-19, nhất là ở những người có triệu chứng tương tự người nhiễm Covid-19 (gọi tắt là người có triệu chứng nghi nhiễm) không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Chúng tôi thực hiện nghiên cứu cắt ngang này từ ngày 14.2 - 2.3.2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu lan ra nhiều nước trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, tại thời điểm 14.2 ghi nhận 16 ca nhiễm và đã thực hiện cách ly toàn xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc (với 5/16 ca nhiễm). Như vậy, số lượng người thuộc diện nghi ngờ mắc Covid-19 ở Việt Nam đã lên tới con số hàng nghìn.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, có nhiều nguồn thông tin khác nhau, có những thông tin sai, gây hoang mang và lo sợ trong cộng đồng. Việc này làm ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân. Trong khi đó, Việt Nam là nước có điểm số năng lực về sức khỏe thấp nhất trong số các nước châu Á được nghiên cứu trước đó. Do vậy, việc tìm ra các yếu tố có tác dụng bảo vệ sức khỏe tâm thần và chất lượng cuộc sống trong giai đoạn này là rất quan trọng để “an dân”. Chính vì thế, trong số các yếu tố nghiên cứu, chúng tôi chú trọng vào năng lực sức khỏe của người dân.

- Đâu là những kết quả đáng chú ý của nghiên cứu này, thưa ông?

- Trong số những người có dấu hiệu trầm cảm (PHQ ≥ 10), 64,3% được tìm thấy ở người có các triệu chứng nghi nhiễm Covid-19. Những người này có chất lượng cuộc sống thấp hơn những người không có dấu hiệu nghi nhiễm. May mắn là với những người có năng lực sức khỏe cao hơn sẽ ít khả năng bị trầm cảm và chất lượng cuộc sống tốt hơn. Điều quan trọng là năng lực sức khỏe có tác dụng bảo vệ sức khỏe và chất lượng cuộc sống của những người có triệu chứng nghi nhiễm trong đại dịch Covid-19.

Giúp người dân hiểu cặn kẽ về dịch bệnh

- Thực tế thời gian qua, Chính phủ cùng ngành y tế đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về dịch bệnh. Ông đánh giá thế nào về công tác này?

- Phải nhắc lại rằng, nghiên cứu này được chúng tôi thực hiện từ ngày 14.2 - 2.3.2020. Qua mỗi một giai đoạn của dịch bệnh, nhận thức của toàn xã hội đều có sự cải thiện, cách thức tuyên truyền cũng thay đổi. Tuy nhiên, hiện cách tuyên truyền của chúng ta mới dừng ở chiều rộng là những khẩu hiệu như “không nên tập trung đông người”, “không nên ra khỏi nhà”, trong khi đáng ra phải tuyên truyền ở chiều sâu rằng vì sao lại thế? Đơn cử, hiện Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên có tổng đài tư vấn, tiếp nhận thông tin về Covid-19. Chúng tôi vẫn nhận được những câu hỏi của người dân như Covid-19 có lây qua tiền mặt không, liệu cho tiền vào túi nilon bọc kín có giảm nguy cơ lây nhiễm không, khi khỏi bệnh rồi thì virus có tồn tại mãi trong cơ thể như virus HIV không?... Cho đến thời điểm này vẫn chưa có một thông tin chính thức nào từ ngành y tế khuyến cáo người dân những vấn đề này.

- Bây giờ, khi dịch Covid-19 đã bước sang giai đoạn 3 mới bàn đến chuyện cần phải tuyên truyền theo chiều sâu liệu có muộn?

- Tôi cho rằng không bao giờ là muộn. Kể cả ngay khi hết dịch, chúng ta vẫn cần có cách tuyên truyền theo chiều sâu. Bởi lẽ, dịch bệnh không phải chỉ có Covid-19. Ngay như dịch đau mắt đỏ thường diễn ra vào khoảng tháng 5 đến tháng 7 hằng năm, năm nào cũng có, do virus gây ra và lây lan qua đường hô hấp, tiếp xúc; người bị bệnh cũng cần cách ly, không đến chỗ đông người nhưng chúng ta vẫn chưa có thông tin y tế chính thức nào khuyến cáo điều này.

- Theo ông, Chính phủ và người dân cần làm gì trong giai đoạn tiếp theo để kiểm soát dịch Covid-19 cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống tinh thần, thưa ông?

- Thực tế, vẫn có tình trạng người dân dù đã khỏi bệnh truyền nhiễm nhưng họ vẫn không tin rằng mình sẽ khỏi hoàn toàn, thậm chí chính bản thân họ sẽ có tâm lý tự cô lập, xa lánh người khác vì nghĩ rằng mình vẫn có mầm bệnh. Do đó, điều quan trọng đối với Chính phủ và Bộ Y tế là cung cấp các nền tảng có thể truy cập với thông tin chính thức và đáng tin cậy về đại dịch. Trong chính ngành y tế cũng cần phải tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ để tư vấn cho người dân có cách hiểu cặn kẽ về virus này. Ngoài ra, người dân nên tăng cường các hành vi học tập suốt đời như xem các chương trình liên quan đến sức khỏe, đọc các trang web chính thức để cải thiện năng lực về sức khỏe cá nhân, qua đó góp phần ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm.

- Hiện, nghiên cứu này được công bố bằng tiếng Anh nên sẽ hạn chế sự tiếp cận với đông đảo dân chúng. Vậy nhóm nghiên cứu có kế hoạch nào để phổ biến kết quả nghiên cứu này?

- Kết quả nghiên cứu này mới được công bố khoảng 1 tuần. Chúng tôi sẽ sớm công bố bản tóm tắt kết quả này bằng tiếng Việt để người dân và cơ quan quản lý tham khảo.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(Nhà xuất bản MDPI xếp hạng 15/160 nhà xuất bản, tạp chí trong lĩnh vực y học, tổng quát, nội khoa trên toàn thế giới. Để được đăng tải trên MDPI, bài báo phải trải qua sự kiểm duyệt khắt khe của hội đồng (gồm ban biên tập và các nhà phản biện) về những tiêu chí như đạo đức nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, kiểm chuẩn các thông tin về khoa học… Nghiên cứu của nhóm tác giả từ Việt Nam về vai trò của năng lực sức khỏe trong việc bảo vệ sức khỏe tâm thần và chất lượng cuộc sống người dân trong đại dịch Covid-19 đăng tải trên MDPI thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi đây không chỉ là nghiên cứu đầu tiên về vấn đề này trên thế giới (tính đến thời điểm hiện tại) mà còn đưa ra những khuyến nghị góp phần tích cực trong công cuộc phòng, chống Covid-19 ở Việt Nam cũng như các nước có nền y tế tương đương).