Trong những ngày qua, trên mạng thông tin xã hội lan truyền hình ảnh chụp phim X- quang của người bệnh nhiễm ấu trùng sán dây lợn, gây tâm lý hoang mang cho người dân về nguy cơ nhiễm bệnh.

     Để cung cấp thông tin một cách chính xác, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên bổ sung thêm thông tin cụ thể về người bệnh.

    Hình ảnh nhiễm ấu trùng sán dây lợn được lan tỏa trên mạng là của người bệnh N.T.Th, 69 tuổi, cư trú tại huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Người bệnh làm nông nghiệp, có chăn nuôi lợn và tiếp xúc với phân lợn, không có thói quen ăn tiết canh, nem chua hay thịt lợn nấu chưa chín…Không có tiền sử bệnh đặc biệt.

    Người bệnh tình cờ được phát hiện nhiễm ấu trùng sán dây lợn thể hoạt động khi chụp phim cổ tay do chấn thương. Người bệnh được điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới 2 đợt: từ 9/08/2016 đến 23/08/2016 và từ 22/09 đến 26/9/2016. Thăm khám lâm sàng không có biểu hiện gì đặc biệt. Trên phim X- quang phát hiện có hình ảnh ấu trùng sán dây lợn thể hoạt động xen lẫn nang vôi hóa ở cơ toàn thân (hình ảnh của khoa X- quang). Tuy nhiên, trên phim chụp Ctscanner không phát hiện thấy ấu trùng sán dây lợn di chuyển lên não, soi đáy mắt, siêu âm tim không phát hiện thấy tổn thương do ấu trùng sán dây lợn di chuyển đến.

( Ảnh lấy từ phim chụp X- quang của người bệnh)

    Sau một tháng điều trị bằng Praziquantel và Albendazole theo phác đồ của Bộ Y tế, hiện tại trên phim X- quang không còn hình ảnh nang sán thể hoạt động. Người bệnh ổn định, ra viện, không có biểu hiện di chứng của bệnh.

    Nhiễm ấu trùng sán dây lợn là một trong những bệnh nhiễm ký sinh trùng thường gặp, đặc biệt ở vùng miền núi - trung du. Tại khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên mỗi năm tiếp nhận khoảng 10 trường hợp nhiễm ấu trùng sán dây lợn, trong đó nhiều người bệnh có biểu hiện bệnh lý thần kinh do ấu trùng di chuyển và cư trú tại não như: viêm não, động kinh…

    Bệnh nhiễm ấu trùng sán dây lợn do ấu trùng Cysticercus cellulosea của sán dây lợn Taenia solium gây ra. Bệnh gặp ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém, người dân thói quen chăn nuôi lợn thả rông, điều kiện vệ sinh kém và chất thải của lợn tiếp xúc với con người. Người dân có tập tục ăn thịt lợn sống hoặc các chế phẩm của thịt lợn nấu chưa chín như: nem chua, chạo, tiết canh,… Tỷ lệ mắc bệnh cao ở: Châu Mỹ La Tinh, Đông Nam Á, Châu Phi và Đông Âu…

    Tại Việt Nam, bệnh ấu trùng sán dây lợn đã được báo cáo từ rất lâu, bệnh gặp nhiều ở vùng núi cao: 3,8%-6%, vùng đồng bằng:  0,5-2%. Bệnh gặp ở hầu hết các tỉnh thành, kể cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

    Sán dây lợn trưởng thành cũng như ấu trùng sán dây lợn có thể tồn tại trong cơ thể người hàng chục năm. Trứng sán có khả năng sống sót cao, ở ngoại cảnh sau một tháng trứng sán mất khả năng sống, đề kháng cao với hóa chất thông thường. Ở nhiệt độ 50 – 60oC ấu trùng bị chết sau 1 giờ.

    Người nhiễm bệnh khi ăn phải trứng sán ở môi trường bên ngoài hoặc ăn phải thịt lợn có ấu trùng sán dây lợn chưa được nấu chín. Bệnh ấu trùng sán lợn là hậu quả của sự có mặt những ấu trùng sán lợn (Cysticercus cellulosae) vào cơ thể người (chủ yếu trong cơ, trong não, trong mắt,…), có bệnh nhân mang đến 300 nang dưới da. Thông thường phân bố như sau: vùng lưng ngực: 36.6%; tay: 28.8%; đầu, mặt cổ: 18.2%, chân: 17.4%,…đa số bệnh nhân có ấu trùng ở cơ (98%) kèm theo có ấu trùng trong não.

    Bệnh ấu trùng sán dây lợn ở dưới da, cơ vân: bệnh nhân không có biểu hiện gì đặc biệt hoặc chỉ thấy mỏi cơ, giật cơ nhẹ và sờ thấy nang sán trên da.

    Ấu trùng sán dây lợn cư trú ở mắt gây lồi mắt, lác, bong võng mạc hoặc giảm thị lực, ở tim gây suy tim, loạn nhịp tim.

    Bệnh lý quan trọng nhất là ấu trùng sán dây lợn di chuyển lên não, cư trú ở não gây bệnh lý ở hệ thần kinh trung ương. Biểu hiện có thể gặp là viêm não, nhức đầu, giảm trí nhớ, co giật cơ, rối loạn thị giác, động kinh, rối loạn tâm thần. Bệnh có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh suốt đời như động kinh, rối loạn tâm thần…

    Bệnh ấu trùng sán dây lợn có thể được phát hiện sớm qua sinh thiết các nang sán trên da, chẩn đoán huyết thanh. Chụp X- quang phát hiện được hình ảnh nang sán thể hoạt động hoặc thể vôi hóa trên cơ, xương, tim, não…

    Điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn và sán dây lợn trưởng thành bằng Praziquantel hoặc Albendazole phối hợp với corticoide có hiệu quả tốt, điều trị cần kiên trì, nhiều đợt.

    Để phòng chống bệnh ấu trùng sán dây lợn, người dân cần chú ý thực hiện vệ sinh môi trường, tránh giết mổ lợn bừa bãi, không nuôi lợn thả rông. Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn rau sống, tránh ăn thịt lợn gạo và các chế phẩm từ thịt lợn nấu chưa chín kỹ. Người mắc bệnh cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời để phòng tránh biến chứng và cắt nguồn lây nhiễm ra cộng đồng.