Đái tháo đường là bệnh mạn tính với đặc trưng đường huyết luôn ở mức cao hơn bình thường. Người bệnh cần sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường (loại thuốc uống hoặc thuốc tiêm) hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý dừng thuốc có thể gây ra những hệ quả đáng tiếc, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Mới đây, các bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã cấp cứu thành công cho người bệnh bị ngừng tim sau khi dừng uống thuốc điều trị đái tháo đường. 

Bác sỹ Phạm Văn Khang, Khoa Hồi Sức Tích cực - Chống độc thăm khám cho người bệnh trước ngày xuất viện

Biết mình bị đái tháo đường từ năm ngoái, bà Hoàng Thị S - 72 tuổi đến từ xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên vẫn đến bệnh viện tuyến huyện lấy thuốc, nhưng thời gian gần đây khi thấy người mệt mỏi, bà S đã tự ý bỏ thuốc. Sau 1 tuần bà thấy sụt cân, mệt nhiều, khó thở, gia đình đưa bà vào viện và có diễn biến chuyển nặng rất nhanh, bị toan chuyển hóa nặng sau đó ngừng tim, phải đặt ống nội khí quản, thở máy và lọc máu liên tục. Chị Nguyễn Thị Ng, con dâu bà S cho biết: Khi gia đình đưa bà vào cấp cứu, mọi người đều rất lo lắng, cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý tình hình xấu nhất có thể xảy ra. Nhưng từ hôm nhập viện, được các bác sỹ tận tình cứu chữa, chăm sóc, sức khoẻ của mẹ tôi đã được cải thiện rất nhiều và bà được xuất viện.

         Được biết tại Khoa vẫn thường xuyên tiếp nhận các trường hợp biến chứng nặng do người bệnh tự ý bỏ hoặc giảm liều thuốc, tình trạng ngừng tim như của bệnh S thi thoảng các bác sỹ vẫn gặp. Sai lầm phổ biến người bệnh tiểu đường hay gặp phải đó là chế độ ăn không hợp lý, bỏ thuốc điều trị hoặc tự ý dùng các thuốc đông y. Đáng chú ý một số trường hợp khi nhập viện qua xét nghiệm thành phần thuốc đông y mà bệnh nhân đã uống có chứa Phenphormin. Đây là chất đã bị cấm. 

Theo Bác sỹ Phạm Văn Khang, Khoa Hồi Sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên: Phenformin là một trong các thuốc nhóm Biguanides được dùng điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường từ những năm 1920, nhưng sau đó đã bị rút ra khỏi thị trường Mỹ và các nước châu Âu vào năm 1977 do tỉ lệ cao gây toan chuyển hoá nặng ngay với liều điều trị. Tuy nhiên loại thuốc này vẫn còn tồn tại ở một vài nơi trên thế giới và tử vong do toan chuyển hoá liên quan đến sử dụng phenformin vẫn còn được báo cáo ở một số nước. Tại Khoa chúng tôi thỉnh thoảng vẫn gặp những trường hợp bị ngộ độc Phenphormin do người bệnh tự mua theo quảng cáo trên mạng. Do đó, chúng tôi đặc biệt khuyến cáo người bệnh nói chung, người bệnh đái tháo đường nói riêng cần kiểm soát tốt chế độ ăn, dùng thuốc đều đặn theo đơn của bác sỹ và có máy thử đường huyết để thử khi cần thiết. Khi người bệnh thấy dấu hiệu bất thường như: mệt mỏi, khát nước, đi tiểu nhiều, sút cân … nên đến bệnh viện kiểm tra hoặc thông báo với bác sỹ điều trị để có tư vấn và điều chỉnh phù hợp. Không nên trì hoãn hoặc tự ý mua thuốc không có chỉ định vì dễ làm bệnh nặng hơn, nhanh chóng rơi vào nguy kịch./.