Máu rất cần thiết và quan trọng nhất đối với một cơ thể sống bởi máu mang chất dinh dưỡng đến các cơ quan và lấy đi các chất thải trong quá trình chuyển hóa. Nếu cơ thể mất đi 50% lượng máu (tương đương với 2,75 lít máu), con người sẽ bị rơi vào trạng thái hôn mê, trái tim sẽ ngừng đập và không thể bơm máu đi nuôi các cơ quan khác. Tại các cơ sở y tế, máu đặc biệt quan trọng trong việc điều trị và cứu chữa kịp thời người bệnh. Song thực tế hiện nay, mặc dù khoa học ngày càng phát triển nhưng không thể sản xuất ra máu nhân tạo mà phải dùng máu tự nhiên do mỗi cơ thể con người sản sinh. Hiểu được tầm quan trọng đó, những “chiến sỹ áo trắng” đang công tác tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nói riêng, toàn xã hội nói chung đã và đang có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực nhằm góp phần lan toả thông điệp “ Mỗi giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại”.
Ngày hội hiến máu tình nguyện “ Blouse trắng - Trái tim hồng” đã thu hút hơn 400 cán bộ, y, bác sỹ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tham gia hiến máu - Ảnh Trung Hiếu
Sinh năm 1990, hiện đang công tác tại Khoa Sơ sinh - Cấp cứu nhi thuộc Trung tâm Nhi khoa của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bác sỹ chuyên khoa I (BSCKI) Nguyễn Văn Cường đã có 14 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Qua tìm hiểu được biết, từ khi còn là sinh viên trường Y, được tiếp xúc và chứng kiến những bệnh nhân mắc bệnh về máu cần máu để duy trì sự sống hay những ca bệnh cấp cứu phải truyền máu ngay khiến bác sỹ Cường hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của máu như thế nào. Điều này đã trở thành động lực để anh tích cực tham gia hiến máu cứu người ngay từ năm thứ 2 đại học. Đến nay sau gần 6 năm công tác tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, anh vẫn luôn mang trong mình tâm thế sẵn sàng hiến máu bất kể lúc nào. Anh chia sẻ: Là bác sỹ của Khoa Sơ sinh - Cấp cứu nhi, chuyên điều trị những bệnh nhi sinh non, tôi không chỉ đặt mình trên cương vị của người bác sỹ mà còn đặt mình vào vị trí người bệnh, người nhà người bệnh để cảm nhận được tâm trạng, suy nghĩ của họ trong những tình huống cấp bách. Đặc biệt, những bệnh nhân nặng hay bệnh nhân thiếu máu cấp tính cần phải được truyền máu ngay vì truyền máu kịp thời sẽ giúp bệnh nhân có thêm cơ hội được sống.
Cũng như bác sỹ Cường, bác sỹ Trần Thanh Tuấn - Khoa Cấp cứu cũng là một trong những tấm gương điển hình của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Với môi trường làm việc đặc thù, thường xuyên phải tiếp xúc người bệnh trong tình thế cấp bách, nguy hiểm đến tính mạng, bác sỹ Tuấn cùng các đồng nghiệp tại Khoa không chỉ làm tốt công tác cứu chữa người bệnh mà còn đóng góp những việc làm, hành động cụ thể, mang lại giá trị nhân văn cao cả cho người bệnh, đó là hiến máu cứu người. Anh quan niệm, mình còn trẻ, có sức khoẻ tốt thì cần phải làm gì đó có ích cho xã hội, cho cộng đồng và cho chính những bệnh nhân của mình. Cho đi một chút máu, sức khoẻ chẳng hề bị ảnh hưởng nhưng lại có thể cứu sống được nhiều người lúc nguy nan.
Bác sỹ Cường, bác sỹ Tuấn chỉ là 2 trong số hàng trăm cán bộ, y, bác sỹ đang công tác tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tham gia hiến máu nhân đạo. Trong nhiều năm qua, hiến máu tình nguyện là một trong những hoạt động mang tính cộng đồng, nhân văn sâu sắc được Ban giám đốc, Công đoàn Bệnh viện đặc biệt quan tâm, phát động hàng năm để những người làm y tế được trực tiếp tham gia hiến máu. Điển hình hồi tháng 3 vừa qua, Bệnh viện đã tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện với chủ đề “ Blouse trắng - Trái tim hồng”, thu hút hơn 400 cán bộ tham gia và thu được 400 đơn vị máu ( bao gồm cả người thân cán bộ tham gia hiến máu). BSCKII. Hà Tiến Quang - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Là bệnh viện tuyến Trung ương đóng tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên, hàng năm tiếp nhận rất nhiều lượt bệnh nhân đến khám và chữa bệnh, trong đó bệnh nhân có nhu cầu truyền máu khá cao. Do đó, việc tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện nói chung, các đợt hiến máu khác trong cán bộ, y, bác sỹ toàn bệnh viện nói riêng mang ý nghĩa ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần lan toả thông điệp “ Một giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại”.
BSCKII Hà Tiến Quang ( ngồi bên phải) cùng các cán bộ Bệnh viện TW Thái Nguyên tham gia hiến máu tại ngày hội “ Blouse trắng – Trái tim hồng” tháng 3/2021 - Ảnh Trung Hiếu
Tìm hiểu thêm được biết, dịp trước và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát trên diện rộng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp nhận các nguồn máu nhân đạo khiến kho trữ máu của Bệnh viện không đủ đáp ứng nhu cầu được truyền máu của người bệnh. Thạc sỹ Nguyễn Thị Minh Thiện - Phó Giám đốc Trung tâm huyết học và Truyền máu Bệnh viện thông tin: Cùng với việc phối hợp thực hiện hiến máu trong nội viện, hàng năm Trung tâm còn phối hợp với người nhà bệnh nhân, nhân dân địa phương và các cơ quan, đơn vị tổ chức gần 80 đợt hiến máu khác với tổng lượng máu thu về khoảng 15.000 đơn vị máu, cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ người bệnh cấp cứu. Chị Đào Thanh Thơm - 31 tuổi ở xóm Làng Mon, xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên là một trong rất nhiều bệnh nhận được truyền máu do bị băng huyết khi sinh con chia sẻ: nếu không được tiếp nhận nguồn máu kịp thời cùng sự tận tâm của các bác sỹ, có lẽ tôi cũng chẳng có cơ hội được sống, được lao động và chứng kiến con tôi lớn lên mỗi ngày. Còn chị Nguyễn Hồng Lê - Mẹ của bệnh nhi Trương Hoài An ( phường Phan Đình Phùng – TP. Thái Nguyên) vẫn còn khá xúc động khi nhớ lại thời điểm năm 2020, con gái của chị phải điều trị tại Trung tâm Nhi do được chẩn đoán sơ gan và suy tim, bắt buộc phải truyền máu nhiều lần. Hay trường hợp của bệnh nhân Dương Minh Tấn - 43 tuổi, điều trị tại khoa Nội tiêu hoá hồi tháng 2/2021 được chẩn đoán xuất huyết tiêu hoá nặng giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, phải truyền gần 30 đơn vị máu và huyết tương… Các bệnh nhân sau những lần được “hồi sinh” đều bày tỏ mong muốn được hiến máu cứu người, tích cực vận động người thân, gia đình cùng tham gia hiến máu tình nguyện, góp phần lan toả một nghĩa cử cao đẹp trong cộng đồng và toàn xã hội.
Ông Lê Ngọc Duệ - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên ( áo xám) thăm và động viên cán bộ, y, bác sỹ tham gia hiến máu tình nguyện - Ảnh Trung Hiếu