Tại Việt Nam, tai nạn thương tích đang diễn biến rất phức tạp. Theo PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế tại Hội thảo Đánh giá giữa kỳ thực hiện Chỉ thị và Kế hoạch Phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng của ngành Y tế giai đoạn 2011 - 2015, trung bình hàng năm có khoảng 900.000 trường hợp mắc tai nạn thương tích. Trong đó có trên 34.000 người tử vong, chiếm 11 – 12% tổng số tử vong toàn quốc. Tỷ suất tử vong trung bình do tai nạn thương tích trong 5 năm (2006 – 2010) là 45,4/100.000 người; đứng đầu là tử vong do tai nạn giao thông với trung bình trên 15.000 người tử vong/năm, tiếp sau là đuối nước với trung bình 6.000 người tử vong/năm, trong đó trẻ em và vị thành niên dưới 19 tuổi chiếm trên 50%. Đuối nước cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em. Ngoài ra, các nguyên nhân gây tai nạn thương tích khác như tai nạn lao động, tự tử, bỏng, ngộ độc, ngã, bạo lực … vẫn phố biến trong cộng đồng.

Thời gian qua, ngành Y tế đã chủ động triển khai nhiều hoạt động để hạn chế sự gia tăng của tai nạn thương tích tại cộng đồng và đã đạt được một số kết quả nhất định. Từ năm 2011 – 2013, ngành Y tế đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục về phòng chống tai nạn thương tích, chăm sóc chấn thương, sơ cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích trẻ em, phòng chống đuối nước… ở hầu hết các tỉnh/thành phố trên cả nước. Trong giai đoạn này, tại 54 tỉnh/thành phố đã có 3.639.142 tờ rơi về sơ cấp cứu ngộ độc, tai nạn giao thông, sơ cấp cứu bỏng, tai nạn lao động, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, 68.434 áp phích, 6.050 tranh lật, 3.700 tài liệu tập huấn, 240 pano về phòng chống tai nạn thương tích được xây dựng và phân phát cho cộng đồng, gần 60 tin, bài, phóng sự tuyên truyền về phòng chống tai nạn thương tích được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền hình địa phương.

Hệ thống giám sát về mắc và tử vong tai nạn thương tích được thiết lập trên phạm vi toàn quốc, phản ánh được chính xác số trường hợp tử vong do tai nạn thương tích tại cộng đồng. Mạng lưới cấp cứu và hệ thống chăm sóc chấn thương thiết yếu đã được củng cố. Hệ thống chăm sóc chấn thương trước viện đã được thành lập với 25.377 cộng tác viên, trong đó có 15.670 cộng tác viên được tập huấn sơ cấp cứu. Được trang bị 150 xe chuyên dụng, 8.651 túi cứu thương. Từ năm 2011, hệ thống tăng cường chăm sóc chấn thương trước viện được triển khai tại Hà Nội, Đồng Nai, Thừa Thiên Huế, Hưng Yên và thành phố Hồ Chí Minh với các hoạt động nâng cao năng lực về chăm sóc chấn thương trước viện, ghi chép báo cáo và truyền thông cho tình nguyện viên và cộng tác viên. Mô hình cộng đồng an toàn được phổ biến, triển khai rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành phố. Hiện nay, cả nước có 68 cộng đồng an toàn Việt Nam và 10 xã, phường được công nhận cộng đồng an toàn quốc tế. Giai đoạn 2011 – 2013, tỉ suất tử vong do tai nạn thương tích tại cộng đồng là 43,37/100.000 dân giảm hơn so với giai đoạn 2006 – 2010 (45,4/100.000).

Trong công tác phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng giai đoạn 2014 – 2015, ngành Y tế sẽ tập trung giải quyết một số các vấn đề như: kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống tai nạn thương tích ngành Y tế, triển khai các mô hình cộng đồng an toàn tập trung vào các loại hình tai nạn thương tích có nguy cơ tử vong cao như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đuối nước, tai nạn thương tích trẻ em, tăng cường năng lực giám sát, truyền thông về phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng…