NHẮC LẠI VỀ NHỮNG CHÚ Ý KHI SỬ DỤNG GLUCOSAMIN
TRONG ĐIỀU TRỊ ĐAU XƯƠNG KHỚP
Tổ Dược lâm sàng - Thông tin thuốc
1. Nguồn gốc
Glucosamin là một amino – mono - saccharid có nguồn gốc nội sinh, là một thành phần giúp tổng hợp glycosaminoglycan cấu tạo nên mô sụn trong cơ thể. Glucosamin được tổng hợp bởi cơ thể nhưng khả năng đó giảm đi theo tuổi tác. Glucosamin trên thị truờng có nguồn gốc từ vỏ tôm cua, động vật biển và có 3 dạng glucosamin dùng trong điều trị là glucosamin sulfat, glucosamin hydrochorid và N-Acetylglucosamin, trong đó dạng muối sulfat được cho là có hiệu quả nhất. Dược điển Mỹ 32 có chuyên luận glucosamin sulfat natri clorid.
Chondroitin sulfat là hợp chất hữu cơ thuộc nhóm mucopolysaccharid hay còn gọi là nhóm proteoglycan, được cấu tạo bởi chuỗi dài gồm nhiều đơn vị kết hợp đuờng và protein. Trong cơ thể, chondroitin sunfat là thành phần tìm thấy ở sụn khớp, xương, da, giác mạc mắt và thành các động mạch. Để dùng làm thuốc, chondroitin sulfat được lấy từ sụn súc vật là lợn, bò, sụn cá mập (shark cartilage)
2. Tính hiệu quả trong điều trị viêm xương khớp của glucosamin:
Việc glucosamin và các chế phẩm kết hợp của nó được sử dụng khá rộng rãi là do truớc đây đã có những nghiên cứu cho rằng sử dụng glucosamin an toàn và có hiệu quả làm giảm đau và cải thiện chức năng trong bệnh viêm khớp xương mãn tính.
Tuy nhiên, những tác dụng điều trị của glucosamin trên bệnh nhân viêm xương khớp chưa có được những bằng chứng thực sự rõ ràng và vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Khi sử dụng glucosamin cần phải chú ý đến các thông tin về dạng bào chế của glucosamin, về hàm lượng và nguồn gốc của sản phẩm. Việc dùng glucosamin đủ liều và đủ thời gian cũng rất quan trọng để có thể đem lại những biến chuyển tốt. Khi sử dụng các chế phẩm có chứa glucosamin, người kê đơn cũng như bệnh nhân nên cân nhắc tất cả các yếu tố, nhất là giữa lợi ích kinh tế và hiệu quả chữa bệnh chưa rõ ràng của glucosamin hiện nay.
3. Một số chú ý khi sử dụng glucosamin:
a. Tính đa dạng của chế phẩm của glucosamin: glucosamin trên thị truờng có 3 dạng chính: glucosamin sulfat, glucosamin hydrochorid và N-acetylglucosamin. Trong đó chỉ có dạng muối sulfat được sử dụng nhiều nhất trong các nghiên cứu và được cho là mang lại tác dụng tích cực. Điều này chưa chắc đã đúng với 2 dạng còn lại của glucosamin nên cán bộ y tế và người tiêu dùng phải chú ý đến thông tin này trên nhãn của sản phẩm.
b. Hàm lượng: trên thị truờng có nhiều loại glucosamin với hàm lượng rất khác nhau. Trong hầu hết các nghiên cứu, người ta sử dụng tổng liều 1200 – 1500 mg glucosamin thuờng chia 1-3 lần/ngày. Ngoài ra, nếu kết hợp với chondroitin thì liều được khuyên dùng là 1200mg chia 3 lần/ngày. Nếu sau từ 2 đến 3 tháng không thấy cải thiện tình trạng bệnh thì bệnh nhân nên ngừng thuốc và hỏi ý kiến bác sĩ (dược thư Anh – BNF 59).
c. Nguồn gốc: những chế phẩm glucosamin đang lưu hành trên thị trường có nhiều nguồn gốc khác nhau, do đó chất lượng của chúng cũng khác nhau. Ở Mỹ, glucosamin chỉ được coi là thực phẩm chức năng nên ít bị kiểm duyệt chặt chẽ về mặt chất lượng. Ngoài ra, ít có các nghiên cứu về tác dụng và hiệu quả cũng như chất lượng của sản phẩm được tiến hành với các chế phẩm glucosamin có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia - vốn đang có mặt rộng rãi trên thị trường Việt Nam.