Bệnh suy thượng thận mạn (Suy thượng thận có sạm da) được Addison mô tả đầu tiên từ 1885. Bệnh khá hiếm gặp, tỷ lệ gặp suy thượng thận (STT) ở Mỹ là 5/10.000 dân, trong đó tỷ lệ STT thứ phát là 3/10.000 dân do sử dụng corticoid ngoại lai kéo dài (chiếm tỷ lệ 0,5-2% dân số ở các nước phát triển) và tỷ lệ STT tiên phát là 2/10.000 dân (do các bệnh tự miễn, chiếm tỷ lệ 50%). Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính và biểu lộ triệu chứng lâm sàng khi có rối loạn chuyển hóa hoặc chấn thương. Bệnh Addison tiến triển thầm lặng, chức năng vỏ thượng thận ngày một suy giảm. Trên 90% các trường hợp STT mạn có biểu hiện lâm sàng diễn ra từ từ trong nhiều tháng, nhiều năm. Trong đó khoảng 25% người bệnh xuất hiện cơn STT cấp trên nền STT mạn không được chẩn đoán khi gặp yếu tố thuận lợi như: nhiễm trùng, sốt cao, phẫu thuật, chấn thương... STT mạn là tình trạng giảm mạn tính glucocorticoid hay mineralcorticoid hoặc cả hai do nhiều nguyên nhân. Chẩn đoán dựa vào lâm sàng và nồng độ ACTH (Hormon kích thích vỏ tuyến thượng thận) huyết thanh cao, cortisol thấp. Điều trị bệnh Addison phụ thuộc vào nguyên nhân, đa phần sử dụng hydrocortisone (nội tiết tố vỏ tuyến thượng thận) và đôi khi là hormone khác. Cơn suy thượng thận cấp (khởi phát các triệu chứng nặng) chủ yếu do nhiễm trùng cấp tính, đặc biệt là khi có nhiễm trùng huyết. Các nguyên nhân khác bao gồm chấn thương, phẫu thuật hay mất natri do đổ mồ hôi quá nhiều. Ngay cả khi điều trị, bệnh Addison có thể làm gia tăng nhẹ tỷ lệ tử vong dù nghiên cứu vẫn chưa chỉ ra được rõ nguyên nhân tăng tỉ lệ tử vong tăng là do không điều trị cơn suy thượng thận cấp hay do bù hormone quá mức trong thời gian dài. 

Để giúp người bệnh và nhân dân hiểu rõ hơn về bệnh Addison cũng như cách phòng ngừa biến chứng nặng của bệnh, Tổ Truyền thông - Phòng Quản lý chất lượng đã có cuộc trao đổi với BSCKII. Nguyễn Thị Thu Minh - Trưởng khoa Nội tiết của Bệnh viện.

Phóng viên: Thưa bác sỹ, các dấu hiệu để nhận biết bệnh Addison là gì?

BSCKII. Nguyễn Thị Thu Minh: có một số dấu hiệu chính cho thấy ở người bệnh Addison là: 

- Yếu, mệt mỏi và hạ huyết áp ở tư thế đứng là những triệu chứng và dấu hiệu sớm của bệnh Addison. Mệt mỏi cả về tinh thần và thể xác. Trong bệnh Addison, mệt tăng dần với sự gắng sức cuả người bệnh.

- Sạm da: Thường thấy ở phần da hở (nếp gấp lòng bàn tay, bàn chân, da mặt, mí mắt, các vết sẹo, vùng da bị kích thích). Sạm niêm mạc là triệu chứng quan trọng hơn sạm da. Không có sạm da niêm mạc thì không thể xác định bệnh Addison. Các dấu hiệu này thay đổi hoặc tăng lên hoặc mất dần đi sau điều trị corticoid. 

- Sút cân và mất nước, chán ăn. Người bệnh thường gầy.

- Biểu hiện dạ dày, ruột: giảm cảm giác thèm ăn, có thể thèm ăn mặn. Buồn nôn, đau bụng, ỉa lỏng, đôi khi táo bón

- Có thể có những cơn choáng, ngất

- Ở nam: suy sinh dục. Nữ: vô sinh. 

- Một số biểu hiện của hạ đường huyết và triệu chứng tâm thần kinh như: bồn chồn, lãnh đạm, lú lẫn, giảm khả năng tập trung suy nghĩ, đau lưng, cơ khớp, đau lưng, chuột rút ..vv...

Phóng viên: Vậy làm sao để chẩn đoán bệnh Addison thưa bác sỹ? 

BSCKII. Nguyễn Thị Thu Minh: người bệnh cần đến cơ sở y tế để được bác sỹ thăm khám và làm các xét nghiệm chuyên khoa như: Điện giải đồ; Cortisol huyết thanh; Hormon kích thích vỏ thượng thận (ACTH) huyết tương. Đôi khi là test kích thích ACTH. Chụp cắt lớp vi tính tuyến thượng thận.

Phóng viên: Những ai có thể nguy cơ mắc bệnh thưa bác sỹ ?

BSCKII. Nguyễn Thị Thu Minh: bệnh Addison có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi cũng như bất kỳ giới tính nào. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, suy tuyến thượng thận thường xuất hiện nhiều hơn ở nữ giới ở độ tuổi từ 30 đến 50.

Phóng viên: Bác sỹ cho biết những nguyên nhân nào gây bệnh suy tuyến thượng thận nguyên phát?

BSCKII. Nguyễn Thị Thu Minh: có một số nguyên nhân như

- Lao tuyến thượng thận;

- Teo thượng thận do nguyên nhân tự miễn;

- Do thuốc (Ketoconazol) hoặc do phẫu thuật cắt thượng thận 2 bên trong điều trị bệnh Cushing; hoặc từng có tiền sử phẫu thuật loại bỏ bất kỳ phần nào của tuyến thượng thận;

- Bệnh hệ thống (Hemochromatose; Wilson)

- Một số bệnh ác tính xâm lấn thượng thận: leucemie, Hodgkin, ung thư di căn...

- Cơ địa suy giảm miễn dịch (HIV), nhiễm trùng cơ hội (Mycobacterie, Toxoplasmose )

- Một số nguyên nhân gây chảy máu thượng thận: sau phẫu thuật, do điều trị thuốc chống đông, TE (HC Waterhouse-Friederichsen)

Phóng viên: vậy làm gì để phòng ngừa bệnh Addison thưa bác sỹ?

BSCKII. Nguyễn Thị Thu Minh: để phòng ngừa bệnh Addison, phòng biến chứng STT cấp gây ảnh hưởng tính mạng người dân cần: 

- Duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, tập luyện thể dục hàng ngày

- Không tự ý sử dụng thuốc khi không có chỉ dẫn của bác sĩ.

- Không hút thuốc và lạm dụng chất có cồn

- Khi đã được chẩn đoán bệnh Addison, người bệnh cần được tư vấn giáo dục sức khỏe và tuân thủ theo đơn ngoại trú có theo dõi định kỳ bởi bác sỹ chuyên khoa Nội tiết như: 

+ Thực hiện thuốc theo y lệnh hàng ngày

+ Ăn đủ đường, muối. 

+ Tăng liều Hydrocortison trong trường hợp cần thiết.

+ Lưu ý các yếu tố có thể gây mất bù của STT như: ngừng điều trị, gắng sức thể lực, nôn, đi ngài, ra nhiều mồ hôi gây mất nước điện giải, nhiễm trùng, chấn thương, phẫu thuạt, dùng thuốc lợi tiểu, an thần, thuốc cản quang... vv... 

Phóng viên: Xin được cảm ơn BSCKII. Nguyễn Thị Thu Minh!