Các y, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thực hiện kỹ thuật can thiệp tim mạch cho bệnh nhân.

Xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Bệnh viện trở thành trung tâm y tế vùng chuyên sâu, tuyến cuối của khu vực miền núi phía Bắc, những năm trở lại đây, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tích cực nghiên cứu, triển khai nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, mang lại hiệu quả cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Từ đó, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
 

Một trong những kỹ thuật hiện đại đã, đang được Bệnh viện triển khai thành công là ghép thận. Tính đến nay, Bệnh viện đã thực hiện ghép thận thành công cho 26 trường hợp. Đây là một bước tiến mới vượt bậc của cơ sở y tế tuyến trung ương này. Ngoài ra, trong lĩnh vực ngoại khoa, Bệnh viện cũng đã tiến hành phẫu thuật cột sống bằng robot; phẫu thuật sọ não, nội soi thoát vị đĩa đệm, nội soi lấy máu tụ trong não, thay khớp háng, khớp gối; phẫu thuật vi mạch, tiêu hóa (cắt gan, khối tá tụy); mổ tim hở, nối chi đứt rời…

Bà Lục Thị Ngôi, một người dân ở xã Cư Lễ, huyện Na Rì (Bắc Kạn) nói: Con tôi chấn thương cột sống rất nặng do tai nạn giao thông. Trong trường hợp này, nếu không được chữa trị kịp thời, con tôi có thể bị liệt suốt đời. Thật may mắn khi cháu được các bác sĩ của Bệnh viện phẫu thuật kịp thời nên đã có thể đi lại được.

Không dừng lại ở đó, nhiều kỹ thuật hiện đại cũng được Bệnh viện áp dụng trong lĩnh vực sản khoa như sản giật, nhiễm độc thai nghén, rối loạn đông máu nặng. Lĩnh vực điều trị đột quỵ và can thiệp mạch cũng đã áp dụng các kỹ thuật hiện đại như chụp và nong động mạch vành đặt stent (đã cấp cứu nhiều bệnh nhân qua cơn nguy kịch). Đồng thời, Bệnh viện còn thực hiện cấp cứu đột quỵ giờ đầu bằng thuốc tiêu huyết khối; lấy cục máu đông trong mạch não bằng dụng cụ cơ học; thực hiện can thiệp mạch não, chi; điều trị các khối u bằng phương pháp đốt sóng cao tần; cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn; điều trị laser nội tĩnh mạch đạt hiệu quả cao…

Trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu - chống độc và nội khoa, Bệnh viện cũng đã đẩy mạnh phát triển theo hướng các chuyên khoa sâu như: Cấp cứu ngừng tuần hoàn, lọc máu liên tục cho bệnh nhân suy đa tạng, thay huyết tương cho bệnh nhân rối loạn lipid máu nặng, cấp cứu nhiều ca bệnh rối loạn đông máu phức tạp thành công.

Bác sĩ Hà Đức Trịnh, Trưởng khoa Cấp cứu cho hay: Chúng tôi đã cấp cứu thành công nhiều ca bệnh ngừng tuần hoàn, trong đó gần đây nhất (trung tuần tháng 3) là trường hợp bệnh nhân ngừng thở hơn 30 phút. Đây được coi là kỳ tích bởi trong y học, hiếm có bệnh nhân nào ngừng thở lâu như vậy mà vẫn được cứu sống.  Cùng với đó là phát triển khoa nội tiết, hô hấp, tiêu hóa, cơ xương khớp, huyết học lâm sàng theo hướng chuyên sâu, đẩy mạnh phát triển Trung tâm Nhi khoa, Khoa Tâm bệnh, Ung bướu, xứng đáng là đơn vị chuyên sâu, tuyến cuối của khu vực.

Đối với lĩnh vực xét nghiệm, Bệnh viện đã phát triển 6 lĩnh vực chuyên sâu như: Sinh hóa, vi sinh, sinh học phân tử, giải phẫu bệnh và trung tâm Huyết học truyền máu Thái Nguyên. Trang bị hệ thống tự động hóa sinh hiện đại nhất khu vực miền núi phía Bắc hiện nay như: máy xét nghiệm tế bào, đông máu chuyên sâu, hệ thống PCR tự động, định danh vi khuẩn tự động và hệ thống realtime PCR...; xét nghiệm thực hiện ghép thận, các xét nghiệm chuyên sâu phục vụ các bệnh lý nội tiết, chuyển hóa, ung thư; thực hiện xét nghiệm sinh học phân tử trong lâm sàng: phát hiện virus B, C, HIV, phát hiện đột biến gen Thalassemia, các tác nhân gây bệnh nguy hiểm như: Viêm não màng não…; thu gom và sản xuất các chế phẩm máu trung bình 12.000 - 18.000 đơn vị máu/năm. Đặc biệt, tháng 3 vừa qua, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã được chuyển giao kỹ thuật và thẩm tra có đủ điều kiện về an toàn sinh học cấp II của phòng xét nghiệm, trang thiết bị, cơ sở vật chất và con người để thực hiện xét nghiệm COVID-19.

Để có thể thực hiện được các kỹ thuật chuyên sâu, Bệnh viện đã cử hàng trăm bác sỹ, điều dưỡng đi đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, có tay nghề cao, để đảm bảo có nguồn nhân lực thực hiện các kỹ thuật cao, chuyên sâu. Đến nay, Bệnh viện đã triển khai được các kỹ thuật chuyên sâu ở tất cả các chuyên khoa: Ngoại khoa, nội khoa, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Từ đó, nhiều chuyên khoa sâu đã được thành lập như: Nội tiết, Hô hấp, Tiêu hóa, Ngoại nhi, Miễn dịch di truyền phân tử, đơn vị hỗ trợ sinh sản…

Có thể thấy, với việc tích cực ứng dụng và tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật mới, tiên tiến, hiện đại, Bệnh viện đã đáp ứng tốt yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trong, ngoài tỉnh. Giảm dần tỷ lệ tử vong mặc dù bệnh viện tiếp nhận hầu hết các bệnh nhân nặng của các tuyến tỉnh và tuyến huyện chuyển đến trong tình trạng đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, số ca phẫu thuật đã tăng từ 12.517 ca (năm 2015) lên 14.551 ca (năm 2019); số ca thủ thuật tăng từ 75.673 ca (năm 2015) lên 182.363 ca (năm 2019)...