Sau 20 ngày được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nhờ những kỹ thuật cao nhất của chuyên ngành hồi sức như Lọc máu, ECMO, ngày hôm nay, bệnh nhân Trần Văn Dương đến từ Phổ Yên, Thái Nguyên đã có thể xuất viện trở về với gia đình. Đây không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc của gia đình người bệnh mà còn là niềm vui, niềm hạnh phúc của chính những bác sỹ đang công tác tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. (Ảnh dưới)
Hôm nay là ngày thật đặc biệt và đáng nhớ của bệnh nhân Trần Văn Dương và mẹ trong thời khắc làm thủ tục xuất viện trở về nhà. 20 ngày nằm điều trị tại đây, có quá nhiều cung bậc cảm xúc thật khó diễn tả nên lời.
Trước đó, sáng ngày 10/8, bệnh nhân Dương được chuyển từ Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên sang Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong tình trạng suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, bụng chướng nhiều. Buổi chiều cùng ngày, bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê sâu và được chẩn đoán bị sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi ARDS, cơ thể không đáp ứng được với thở oxy liều cao, viêm cơ tim cấp và viêm túi mật hoại tử, tiên lượng rất xấu. Với quyết tâm cứu sống người bệnh, cuộc họp hội chẩn liên khoa cấp bách đã được diễn ra để đưa ra phương án xử lý cấp cứu và điều trị tối ưu nhất.
Theo đó, bệnh nhân đã được đặt nội khí quản, thở máy, mổ cấp cứu cắt túi mật hoại tử và đặt dẫn lưu ổ bụng. Do bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn nặng, các bác sỹ đã tiến hành lọc máu liên tục, đặt huyết áp động mạch xâm lấn. Tuy nhiên sau 2 ngày, phổi của bệnh nhân diễn biến xấu hơn, không đáp ứng với thở máy, các bác sĩ đã chỉ định dùng hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO) cho bệnh nhân. BSCKI. Phạm Văn Khang, Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Đây là ca bệnh đầu tiên tại Thái Nguyên áp dụng kỹ thuật Ecmo được cứu sống. Năm 2021, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại miền nam, kỹ thuật ECMO đã được chúng tôi áp dụng đối với sản phụ sinh thai đôi mắc COVID-19 nặng, nguy kịch được điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 do bệnh viện thiết lập tại Long An.
Sau 5 ngày sử dụng ECMO và 6 lần lọc máu liên tục cùng nhiều biện pháp hồi sức khác, tình trạng của bệnh nhân đã được cải thiện rõ rệt. bệnh nhân đã kết thúc ECMO sau 7 ngày điều trị và rút ống nội khí quản vào ngày thứ 8. Trong niềm vui hân hoan ngày xuất viện, anh Dương không dấu nổi niềm vui, niềm hạnh phúc, biết ơn sự tận tâm, trách nhiệm và tình cảm của đội ngũ y, bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc dành cho mình. BSCKI. Nguyễn Thị Thu Cúc - Phó trưởng khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc thông tin thêm: ECMO là kỹ thuật cao nhất của chuyên ngành hồi sức trong cấp cứu người bệnh, đòi hỏi đội ngũ bác sỹ có trình độ tay nghề, chuyên môn cao và máy móc trang thiết bị hiện đại. Trong thời gian tới, Khoa sẽ đưa những kỹ thuật này trở thành hoạt động thường quy để cấp cứu và cứu sống những người bệnh nhân nặng và nguy kịch.