Mới đây, được sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia đầu ngành đến từ Viện tim mạch Quốc gia Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm tim mạch phối hợp với Khoa Nội thận - Tiết niệu và Lọc máu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) triển khai thành công kỹ thuật can thiệp cầu tay bằng bóng cho bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo chu kỳ tại Bệnh viện. (Ảnh dưới)

          Bệnh nhân là bà Hoàng Thị Điệp, 37 tuổi, người dân tộc Nùng đến từ xã Trung Hội, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, bị bệnh thận mạn giai đoạn 5, chạy thận nhân tạo chu kỳ 3 lần/tuần, có tiền sử tăng huyết áp và viêm gan C. Ngày 25/8, bệnh nhân nhập viện vì tắc tĩnh mạch cầu nối để chạy thận và được chuyển khoa Nội tim mạch để nong bóng tĩnh mạch đầu. 

          Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Quang Toàn - Khoa Nội tim mạch cho biết: cách đây 11 năm, bệnh nhân đã thực hiện phẫu thuật bắc cầu nối AVF (còn gọi là cầu nối động - tĩnh mạch tự thân) để chạy thận. Hình ảnh siêu âm cho thấy hiện bệnh nhân đã bị tắc hoàn toàn cầu nối AVF khiến lưu lượng dòng máu trong quá trình chạy thận giảm thấp, không đủ lưu lượng để lọc máu. Do đó để tránh cuộc phẫu thuật làm cầu mới, được sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành đến từ Viện tim mạch Quốc gia Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi đã tiến hành nong mở cầu cũ giúp quá trình chạy thận của người bệnh được thuận lợi. 

          Tiến sỹ, Bác sỹ Đinh Huỳnh Linh, hiện đang công tác tại trường Đại học Y Hà Nội và Viện tim mạch Quốc gia Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai, bác sỹ trực tiếp thực hiện kỹ thuật thông tin thêm: Với bệnh nhân thận nhân tạo chu kỳ, đường vào mạch máu giữ vai trò quan trọng. Việc tái thông đoạn mạch bị tắc để khôi phục lại đường vào mạch máu sẽ giúp cho việc chạy thận của người bệnh đạt hiệu quả. Đây là một kỹ thuật khó đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chuyên khoa và dụng cụ can thiệp phù hợp dùng can thiệp mạch máu ngoại biên. 

          Cầu nối AVF là một trong những vấn đề sống còn đối với bệnh nhân có bệnh thận giai đoạn cuối. Hẹp tắc tĩnh mạch đường về của cầu nối là vấn đề thường gặp nhất, làm giảm hiệu quả chạy thận và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Theo đó, phẫu thuật và can thiệp nội mạch là hai phương pháp có thể điều trị bệnh lý này. Tuy nhiên đối với trường hợp tắc hẹp tĩnh mạch trung tâm (tĩnh mạch dưới đòn, tĩnh mạch thân cánh tay đầu), can thiệp nội mạch có ưu thế, trong đó kỹ thuật can thiệp nội mạch điều trị tắc hẹp cầu nối AVF là kỹ thuật khá mới. Theo đó, từ những thành công bước đầu của kỹ thuật can thiệp cầu tay bằng bóng, trong thời gian tới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên sẽ đưa kỹ thuật vào thực hiện thường quy, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giữ được cầu nối. Đồng thời đảm bảo lưu lượng lọc máu ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo chu kỳ.