Nền kinh tế phát triển, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện. Trước yêu cầu của sự phát triển thì công việc và áp lực cuộc sống cũng đè nặng trên vai mỗi người lao động đặc biệt là lớp trẻ với công việc ít vận động, hoạt động trí não và làm việc nhiều với máy tính. Chế độ ăn uống không cân đối nhiều thịt, bia, rượu và khó kiểm soát. Thời gian làm việc nhiều, không có thời gian dành cho nghỉ ngơi, vui chơi và giải trí. Do vậy, chuyển hóa trong cơ thể cũng có nhiều thay đổi và dễ có sự rối loạn nếu chúng ta không kiểm soát chế độ ăn uống và luyện tập mỗi ngày. Các rối loạn chuyển hóa thường gặp hiện nay như:

Rối loạn chuyển hóa Lipid máu: Lipid máu gồm cholesterol, triglyxerid, HDL-C và LDL-C các Apo A và Apo B. Nếu để tình trạng rối loạn thừa lipid máu kéo dài thì sẽ có nguy cơ dẫn đến xơ vữa động mạch, bệnh viêm tụy cấp, bệnh mạch vành, bệnh goutte…làm ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống thậm chí cả tính mạng người bệnh.

Rối loạn chuyển hóa acid amin: bệnh này gây ra là do chế độ ăn quá nhiều thức ăn có chứa acid amin có chứa nhân purin như thịt bò, thịt chó, thịt các loại thú rừng và các loại ngũ tạng động vật.. uống nhiều bia, rượu. Quá trình chuyển hóa các acid amin có nhân purin và thoái hóa acid nucleic của cơ thể tạo ra acid uric. Nồng độ acid uric máu tăng gây tình trạng lắng đọng các chất này tại các khớp và các mô mềm gây bệnh goutte. Acid uric được bài xuất qua thận nên khi lượng acid uric trong nước tiểu tăng quá mức bình thường có thể bị kết tủa và hình thành sỏi urat trong hệ tiết niệu...

Rối loạn chuyển hóa glucose: Tình trạng tăng glucose máu mạn tính sẽ dẫn đến bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). Xét nghiệm đường huyết bình thường khi đói (bằng phương pháp hexsokinase) có trị số dưới 4,6 mmol/l, rất ít khả năng bị bệnh ĐTĐ; khi nồng độ glucose máu khi đói dao động từ 4,7 đến 5,5 mmol/l, bệnh nhân cần kiểm tra thêm xét nghiệm định lượng HbA1C để giúp phát hiện tình trạng tăng glucose máu trung bình trong thời gian 3 tháng kể từ thời điểm lấy máu làm xét nghiệm trở về trước. Nếu glucose máu trên 5,6 mmol/l bệnh nhân cần làm nghiệm pháp tăng glucose huyết để chẩn đoán sớm bệnh lý đái tháo đường.

Chú ý xét nghiệm glucose huyết để có kết quả chính xác thì mẫu máu sau khi lấy phải được phân tích ngay trong 1h đầu hoặc có chất bảo quản glucose tránh hiện tượng giảm glucose máu do hiện tượng phân hủy glucose của vi khuẩn môi trường. Ước tính trong những giờ đầu glucose máu giảm 7% mỗi giờ. Ngoài ra, để chẩn đoán và điều trị bệnh ĐTĐ bệnh nhân cần định lượng insulin máu và peptid C để đánh giá tình trạng insulin của cơ thể. Insulin là một hormon của tuyến tụy có vai trò làm giảm glucose máu. Khi nồng độ hoặc chất lượng insulin giảm sẽ gây bệnh đái tháo đường type II (một bệnh khá phổ biến hiện nay).

Để phát hiện sớm các bệnh lý do rối loạn chuyển hóa ngoài thăm khám bệnh thông thường của các bác sỹ lâm sàng bệnh nhân nên kiểm tra sinh hóa định kỳ (3-6 tháng/lần). Kỹ thuật và thiết bị định lượng các chất chuyển hóa có ảnh hưởng đến chất lượng các xét nghiệm. Hiện nay khoa Sinh hóa, Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên đang sử dụng phương pháp Enzym (hexokinase, uricase..) để định lượng các xét nghiệm sinh hóa trên hệ thống máy tự động hoàn toàn của hãng Olympus (Nhật Bản), do vậy độ chính xác và ổn định kết quả rất cao. Đặc biệt Khoa đã đưa vào sử dụng kỹ thuật hóa phát quang trực tiếp để định lượng insulin, đây là kỹ thuật có độ nhạy và độ chính xác rất cao có thể định lượng các chất có nồng độ rất thấp trong cơ thể. Bệnh nhân chỉ cần lấy 3 ml máu tĩnh mạch buổi sáng (khi đói) gửi tới phòng xét nghiệm Sinh hóa của Bệnh viện. Sau khoảng thời gian 1-2h là có thể nhận được kết quả.

Phát hiện sớm và điều trị sớm các bệnh lý do rối loạn chuyển hóa giúp bệnh nhân phòng bệnh kịp thời, hiệu quả điều trị bệnh sẽ cao hơn rất nhiều so với khi đã mắc bệnh nặng thì việc điều trị là rất khó khăn, tốn kém và thậm chí phải điều trị suốt đời.


Máy sinh hóa tự động của hãng Olympus –AU640