Tổ Dược lâm sàng - Thông tin thuốc
1. Suy thận và những ảnh hưởng
- Suy thận làm giảm bài xuất thuốc và chất chuyển hóa còn hoạt tính, dẫn đến tăng kéo dài nồng độ thuốc trong máu và nguy cơ tăng độc tính.
- Suy thận gây ứ trệ tuần hoàn, dẫn đến tăng thể tích phân bố của các thuốc tan nhiều trong nước, kéo dài thời gian bán thải, tăng nguy cơ tích lũy thuốc
- Suy thận gây giảm lượng protein huyết tương, dẫn đến tăng tỷ lệ thuốc tự do nhất là các thuốc có tỷ lệ liên kết cao với protein huyết tương, gây tăng độc tính.
- Suy thận cũng ảnh hưởng đến tác dụng dược lý của một số thuốc.
2. Đánh giá mức độ suy giảm chức năng thận
Có thể đánh giá mức độ suy thận bằng nhiều phương pháp như dựa vào hằng số thải trừ của thận, hệ số suy thận, mức độ giảm thải trừ thuốc khi suy thận, độ thanh thải creatinin của thận hoặc tốc độ lọc của cầu thận. Dưới đây là cách đánh giá mức độ suy thậnC dựa vào độ thanh thải creatinin của thận và tốc độ lọc của cầu thận:
2.1. Dựa vào độ thanh thải creatinin của thận
Creatinin là thành phần trong máu ổn định nhất, không phụ thuộc vào chế độ ăn hoặc những thay đổi sinh lý khác mà chỉ phụ thuộc vào khả năng thải trừ của thận, nên được sử dụng để đánh giá chức năng thận.
Độ thanh thải Creatinin của thận (Clcr) được tính theo phương trình của Cockcroft & Gault:
Clcr ( nam) = (140-tuổi) x cân nặng x 1,23 / Ccr
Clcr ( nữ) = Clcr ( nam) x 0,85
Trong đó:
Tuổi người bệnh tính theo năm
Thể trọng tính theo kg
Ccr là nồng độ creatinin trong huyết thanh tính theo mmol/l;
Clcr có đơn vị là ml/phút
Việc phân loại mức độ suy thận theo độ thanh thải creatinin được trình bày tại bảng 1:
Bảng 1. Phân loại mức độ suy thận theo độ thanh thải creatinin
Mức độ suy thận | Clcr (ml/phút) |
Nhẹ | 20 – 50 |
Vừa | 10 - 20 |
Nặng | < 10 |
2.2. Dựa vào tốc độ lọc của cầu thận
Tốc độ lọc của cầu thận, viết tắt là GFR biểu thị khả năng thanh lọc creatinin ra khỏi huyết tương khi máu tuần hoàn qua thận.
Những người bệnh có mức cân nặng và chiều cao bình thường (BMI từ 18,5 -24,9 theo tiêu chuẩn của WHO), có thể đánh giá chức năng thận qua tốc độ lọc của cầu thận theo công thức của MDRD (Modification Diet of Renal Diseases):
Trong đó:
Ccr là nồng độ creatinin trong huyết thanh, đơn vị mg/dl
Tuổi người bệnh tính theo năm
GFR có đơn vị ml/phút/1,73m2
Việc phân loại mức độ suy thận theo GFR được trình bày trong bảng 2:
Bảng 2: Phân loại mức độ suy thận theo tốc độ lọc cầu thận (GFR)
Mức độ suy thận | GFR (ml/phút/1,73 m2) | |
I | Bình thường: giai đoạn 1 | > 90 |
II | Suy thận nhẹ: giai đoạn 2 | 60 – 89 |
IIIA | Suy thận vừa: giai đoạn 3A | 45 – 59 |
IIIB | Suy thận vừa: giai đoạn 3B | 30 – 44 |
IV | Suy thận nặng: giai đoạn 4 | 15 – 29 |
V | Suy thận rất nặng: giai đoạn 5 | < 15 |
Công thức đánh giá chức năng thận qua tốc độ lọc cầu thận (GFR) không chính xác bằng công thức của Cockcrof & Gault, vì vậy chỉ nên sử dụng khi không có cân nặng của người bệnh.
3. Hiệu chỉnh liều thuốc ở bệnh nhân suy thận
Cách hiệu chỉnh lại liều có thể là: Giảm liều thuốc hoặc tăng khoảng cách giữa các lần dùng thuốc hoặc phối hợp cả 2 cách này.
Giảm liều cho phép giảm nồng độ thuốc trong máu nên tránh được nguy cơ tăng độc tính nhưng lại có nguy cơ không đạt nồng độ điều trị mong muốn. Vì vậy, với một số loại thuốc, trước khi giảm liều nếu xét thấy cần có hiệu quả ngay thì phải đưa “liều tải” còn gọi là liều nạp (loading dose). Liều tải thường bằng liều dùng cho người bệnh không suy thận.