KHÁNG SINH VÀ NHỮNG THAY ĐỔI TRẠNG THÁI TÂM THẦN
Tổ Dược lâm sàng - Thông tin thuốc
Kháng sinh là một trong những thuốc được sử dụng thường xuyên ở cả bệnh nhân ngoại trú và nội trú. Trong khi tiêu chảy là một tác dụng phụ rất được chú ý trên nhiều kháng sinh thì độc tính trên thần kinh lại bị bỏ qua. Nguy cơ nữa cho các bác sĩ và dược sĩ lâm sàng khi không chú ý đến tác dụng gây độc thần kinh của kháng sinh là biểu hiện thần kinh của độc tính có thể bị nhầm lẫn với tình trạng thần kinh khác. Với tần suất cao sử dụng kháng sinh như vậy, nhân viên y tế cần nhận thức về nguy cơ này để có biện pháp phòng tránh, xử lý và tư vấn hợp lý cho bệnh nhân và gia đình.
1. Dịch tễ học
- Loại, tần suất những thay đổi trạng thái tâm thần phụ thuộc vào loại thuốc, nhóm thuốc và gia tăng theo liều sử dụng, cùng với những rối loạn hệ thần kinh trung ương kèm theo, tuổi cao và rối loạn chức năng thận.
- Tác nhân phổ biến: Fluoroquinolon, cephalosporin và macrolid được xem là những tác nhân gây ra phổ biến nhất, với tỷ lệ mắc từ các báo cáo ca bệnh riêng biệt khác nhau lên đến 15% ở các bệnh nhân được chăm sóc tích cực sử dụng cefepim và trên 50% các bệnh nhân lớn tuổi sử dụng clarithromycin liều cao.[1,2]
2. Cơ chế và sinh lý bệnh
Cơ chế chính xác kháng sinh gây ra biến đổi trạng thái tâm thần vẫn chưa rõ ràng. Kháng sinh có thể gây ra tác động khác nhau:
- Tác động trực tiếp: Các kháng sinh có thể gây rối loạn trực tiếp chức năng của hệ thần kinh trung ương thông qua sự thay đổi các chất dẫn truyền thần kinh như sự đối kháng của acid gamma- aminobutyric (GABA) gây ra do nhóm fluoroquinolon, cephalosporin và penicillin.[1]
- Tác động thứ phát: Rối loạn trạng thái tâm thần có thể là thứ phát từ những tác động có hại của một kháng sinh (Ví dụ tác động gián tiếp do sự gia tăng viêm từ viêm màng não vô khuẩn đã được báo cáo với trimethoprim/sufamethoxazol ở bệnh nhân cao tuổi hay ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch [1,2]
- Tác động khác: Kháng sinh có thể tương tác với những thuốc được sử dụng đồng thời và gây nên những tác động lên hệ thần kinh trung ương. Ví dụ: Hội chứng serotonin khi dùng chung linezolid với những thuốc serotonergic khác; sự ức chế kháng sinh của các enzym cytochrome P450 dẫn đến sự tích lũy các thuốc tác động hệ thần kinh trung ương khác[1]
3. Các kháng sinh có khả năng gây thay đổi trạng thái tâm thần[3,4]
Nhóm kháng sinh | Những triệu chứng thường gặp của nhiễm độc thần kinh | Cơ chế | Các yếu tố nguy cơ | Lưu ý với bác sĩ |
Fluoroquinolon | Rối loạn tâm thần cấp tính, lú lẫn, mê sảng, ảo giác, hưng cảm | Ức chế receptor GABA-A; hoạt hóa receptor NMDA | Tuổi cao | Cảnh báo an toàn của FDA gần đây (theo dõi sát sao) |
Cephalosporin Nguy cơ cao: Cefazolin, Ceftazidim, Cefoperazon, Cefepim Nguy cơ thấp: Cephalexin, Cefotaxim, Ceftriaxon |
Lú lẫn, mê sảng, trạng thái động kinh không co giật (NCSE), co giật | Ức chế sự giải phóng GABA-A, tăng glutamate, kích thích endotoxin, giải phóng cytokin | Tuổi cao, tiền sử bệnh lý thần kinh, suy thận, quá liều | Theo dõi bệnh nhân cần chỉnh liều theo chức năng suy thận |
Penicillins: Piperacillin, Amoxacillin, Oxacillin | Hành vi kỳ lạ, lú lẫn, mê sảng, mất định hướng, ảo giác, NCSE, co giật | Ức chế receptor GABA | Suy thận, trẻ sơ sinh nhẹ cân, tiền sử bệnh lý thần kinh | Theo dõi bệnh nhân cần chỉnh liều theo chức năng suy thận |
Carbapenem: Imipenem | Suy giảm nhận thức, mê sảng, ảo giác, hội chứng rối loạn tâm thần, co giật, đau đầu | Ức chế receptor GABA Ức chế receptor GABA, kết hợp với glutamate |
Tuổi cao, tiền sử bệnh lý thần kinh, suy thận | Thời gian bán hủy của Imipenem bị kéo dài trong trường hợp suy thận, cần hiệu chỉnh liều |
Macrolid: Clarithromicin, erythromycin | Rối loạn tâm thần cấp tính, mê sảng, hưng cảm,độc tính trên tai | Tuổi cao, tương tác cytochrome P450 3A4 | ||
TMP/SMX | Rối loạn tâm thần cấp tính, viêm màng não vô khuẩn, ảo giác | Thấm qua màng não | Tuổi cao, suy giảm miễn dịch, liều cao, suy thận | Thận trọng khi sử dụng liều cao |
Metronidazol | Lo âu, thay đổi trạng thái tâm thần, rối loạn chức năng tiểu não, độc với cơ quan thính giác, bệnh lý thần kinh ngoại biên, rối loạn tâm thần, co giật | Phản ứng viêm màng não, tổn thương tiểu não, trục | Tổn thương chức năng thận | Thận trọng khi sử dụng liều cao |
GABA = acid gamma-aminobutyric
NCSE = động kinh không co giật
TMP/SMX = trimethoprim/sulfamethoxazol
4. Phòng tránh và kiểm soát
Mê sảng kéo dài ở bệnh nhân nội trú liên quan với tăng thời gian nằm viện, tăng nguy cơ tử vong và tăng chi phí [1,4]
Việc phòng tránh những tác dụng ngoại ý trên hệ thần kinh đòi hỏi lựa chọn và sử dụng thuốc thận trọng, cá nhân hóa liều dùng phù hợp, theo dõi điều trị và hạn chế thời gian điều trị cho phù hợp, đưa ra lời khuyên cho bệnh nhân và gia đình, đánh giá lâm sàng những yếu tố tiềm tàng gây biến cố có hại, theo dõi cẩn thận những dấu hiệu và triệu chứng tiềm tàng của bệnh nhân sẽ hỗ trợ cho chẩn đoán sớm.
Nếu có nghi ngờ thay đổi trạng thái tâm thần do kháng sinh, việc kiểm soát có thể bao gồm: giảm liều thuốc, lựa chọn loại kháng sinh khác hoặc ngưng thuốc nếu có thể (trong hầu hết các trường hợp, ngưng sử dụng tác nhân gây thay đổi sẽ giải quyết triệu chứng trong vòng 48h); việc sử dụng tạm thời các biện pháp hỗ trợ, bao gồm thuốc, có thể cần thiết trong một số trường hợp nghiêm trọng[1,4]
Tài liệu tham khảo
1. Mattappalil A, Mergenhagen KA. Neurotocity with antimicrobials in the elderly: a review. Clin Ther.2014; 36:1489-1503
2. Fugate JE, Kalimullah EA, Hocker SE, Clark SL, Wijdicks EF, Rabinstein AA. Cefepim neurotoxicity in the intensive care unit: a cause of severe, underappreciated encephalopathy. Crit Care. 2013; 17:R264
3. US Food and Drug Administration. Fluoroquinolone antibiotic drugs: Drug safety communication – FDA advises restricting use for certain uncomplicated infections. May 12,2016.Web.
4. Grill MF, Maganti RK. Neurotoxic effects asociated with antibiotic use: management considerations. Br J Clin Pharmacol 2011; 71:381-393